Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Căng thẳng đua học trước lớp 1 (P1):Không học thêm, không nên người (?!)


Chưa tạm biệt trường mẫu giáo, thậm chí mới 5 tuổi, rất nhiều trẻ đã phải đi học chữ, học Toán để vào lớp 1 để "bằng bạn bằng bè". Các bậc phụ huynh vô hình trung tạo ra cuộc đua tranh khốc liệt và áp lực đè nặng lên vai trẻ nhỏ.

Tạm biệt búp bê thân yêu... mai em vào lớp 1. Ảnh: Phạm Yên .

Không được đi học chữ, học Toán từ khi còn học mẫu giáo, trẻ bỗng trở thành học sinh cá biệt trong lớp vì không biết tính toán, thuộc mặt chữ như các bạn. Thậm chí, nhiều trẻ trở nên sợ hãi khi phải đến trường.

Một mũi tên hai đích
Năm nay cháu Loan, cô con gái đầu lòng của chị Thảo (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) bắt đầu vào lớp 1. Anh Thắng chồng chị, một kỹ sư Công nghệ Thông tin, không ủng hộ việc cho con học viết trước khi vào lớp 1, nhưng rồi đành phải chào thua vợ khi chị nêu một bé hàng xóm đã đi học thêm từ đầu tháng 5-2010. Đã vậy, việc xin cho con vào lớp học thêm của cô P. - một cô giáo nổi tiếng luyện chữ đẹp của trường Tiểu học Thanh Liệt cũng chẳng dễ dàng gì.

Chị Thảo phải nhờ một người họ hàng quen thân với cô P xin giúp, cháu Loan mới được theo học thêm ở nhà cô P. Mỗi tuần cháu học 3 buổi, mỗi buổi khoảng 2 tiếng từ 2-6 đến 20-7 với học phí trọn khoá là 600.000 đồng.

Cùng ca với cháu Loan có khoảng hơn 20 cháu theo học tại nhà cô P. Mỗi buổi cô dạy tập viết và tập đọc. Với môn tập đọc, cô soạn phiếu riêng, mỗi buổi học phát cho các cháu một bản. Theo chị Thảo, việc học thêm tại nhà cô P. giúp chị đạt được hai mục đích: không để con thua thiệt với bạn bè, vì bạn nào cũng đều đi học trước và xin được vào lớp của cô P dạy khi cháu vào học trường Tiểu học Thanh Liệt.

Từ 15-7, trường Tiểu học Thanh Liệt bắt đầu tổ chức học hè cho học sinh, trong đó có học sinh vừa trúng tuyển lớp 1 vào trường. Do xin được vào lớp cô P. nên quy trình học tập của cháu Loan được "tua" lại nhưng với tốc độ nhanh hơn.

Chẳng hạn, khi dạy ở nhà, cô P. dạy khá kỹ, mỗi buổi chỉ rèn cho các cháu viết một nét hoặc một chữ và viết trong một trang vở. Riêng với các nét ngang (-), sổ (|), xiên phải ( \ ), xiên trái (/) mất 4 buổi. Nhưng học ở trường, cũng 4 nét đó các cháu được tập viết trong 1 buổi.

Chị Thảo nói: "Tôi thấy tội cháu nên khi trường tổ chức học thì cho cháu nghỉ ở nhà cô. Một số phụ huynh vẫn xin cho con tiếp tục học cô nhưng không phải trường hợp nào cũng nhận lời. Chỉ có cháu nào chữ xấu quá cô mới giúp".

Áp lực
Thực tế những năm gần đây cho thấy, việc cho con đi học trước khi vào lớp 1 là một xu hướng rầm rộ làm những phụ huynh bản lĩnh cũng không thể chống cự được. Có những phụ huynh từng du học ở Mỹ, châu Âu ban đầu rất phản đối phương pháp giáo dục được họ xem là phản khoa học này, nhưng rốt cuộc cũng đành rốt ráo tìm nơi học cho con, khi những đứa trẻ này còn vài tháng nữa mới rời trường mẫu giáo.

"Khi con còn nhỏ, tôi và bà xã thống nhất quyết không cho con đi học thêm, để các cháu có thời gian vui chơi thoả thích. Thế nhưng khi con sắp vào lớp 1, áp lực vô hình đè nặng khiến chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn quan điểm" - Anh Lê Quân, tốt nghiệp tiến sỹ ngành kinh tế ở Pháp, hiện đang là trưởng khoa một trường đại học lớn ở Hà Nội nói.

Chị Phan Thị Mỹ Xuân (Q.3, TPHCM) bức xúc: "Theo khuyến cáo của Bộ GD&ĐT là không nên cho con học trước, nhưng vào lớp 1 mới biết, chỉ có một hai cháu như con mình, nên chúng trở thành học sinh cá biệt của lớp. Hai mẹ con ngày nào cũng học từ 18h đến gần 23h nhưng càng học con càng không nhớ được chữ".

Xu hướng học trước còn tạo áp lực lên các trường mầm non, khiến nhiều hiệu trưởng trường mầm non phải chiều lòng phụ huynh bằng cách, cho phép các cô giáo lớp 5 tuổi luyện chữ cho các cháu.

Cẩn thận hơn, có trường còn mời giáo viên tiểu học về đảm nhiệm khâu này, mỗi tuần 2 - 3 buổi tuỳ trường. Nhưng chưa yên tâm với điều này, con vừa rời trường mầm non, nhiều phụ huynh tức tốc tìm lớp luyện chữ cho con.

Thiếu niềm tin
Theo các phụ huynh, sự thiếu niềm tin vào quá trình dạy học lớp 1 tại các trường tiểu học là nguyên nhân quan trọng, khiến phụ huynh đổ xô cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Những trường có tiếng nhiều giáo viên dạy giỏi, thì đều có sĩ số trên dưới 60 học sinh/lớp - gần gấp đôi quy định của Bộ GD&ĐT về quy mô một lớp học. Do đó các phụ huynh đều hiểu cần phải "tự cứu lấy con mình" trước khi nhờ được nhà trường.

Ngay cả một số nơi ít chịu áp lực về sĩ số, việc quan tâm tới từng học sinh của giáo viên cũng tỏ ra hạn chế. Chị Vân, một phụ huynh trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, do quá tin tưởng vào cam kết của nhà trường nên gần như chị không bao giờ bắt cháu phải làm bài tập ở nhà (do trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày). Vì thế mãi tới gần kết thúc năm học, chị giật mình phát hiện con mình ngồi vẹo người khi viết, cầm bút cũng sai.

"Giá như tôi gửi cháu cho một cô nào đó kèm trước khi vào lớp 1 thì có thể không xảy ra tình trạng này. Theo các phụ huynh đã có con đi học trước khi vào lớp 1 thì chỉ ở các lớp đó giáo viên mới có điều kiện uốn nắn các cháu dáng ngồi, cách cầm bút", chị Vân nói.

Khuyến khích học thêm
Trong quá trình tìm hiểu để chọn lớp tốt cho con, chị D., một phụ huynh ở quận Ba Đình tiếp cận cô Th., giáo viên dạy lớp 1 của một trường tiểu học có tiếng, bởi trên diễn đàn webtretho, nhiều phụ huynh khen cô nhiệt tình chu đáo.

Khi biết cháu bé con chị D. chưa từng học thêm, cô giáo tỏ ra ngạc nhiên: "Như vậy thì cháu bị mất cơ bản, sau này vào năm học khó theo kịp các bạn. Các cháu chuẩn bị vào lớp 1 đều được phụ huynh quan tâm cho đi học thêm từ tháng tư".

Chị D. hỏi: "Khi vào năm học, các cháu sẽ học như thế nào với chương trình ngày hai buổi mà vẫn phải học thêm trong khi ngày xưa thế hệ cô và tôi học lớp 1 chỉ ngày một buổi, không học thêm mà vẫn nên người đó thôi", cô nói lớp sẽ lướt rất nhanh, vì đa số các cháu đều có cơ bản rồi.

Sau buổi tiếp xúc trên, chị D. kết luận: "Cô Th. dạy có giỏi hay không tôi không rõ nhưng quan điểm "không học thêm không nên người" không phù hợp với tôi. Buổi gặp cô Th. thật sự có ích vì qua đó tôi biết, ít ra tôi cũng tránh cho con không học ở lớp cô Th.".

Theo Tiền Phong