Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mầm non bán công Hà Nội với việc thực hiện Luật Giáo dục mới


Theo Luật Giáo dục 2005, giáo dục chỉ còn 3 loại hình trường: công lập, dân lập và tư thục. Vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là mô hình trường bán công (BC) sẽ phải chuyển đổi hình thức hoạt động ra sao, chế độ, chính sách cho giáo viên như thế nào... Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Hà nội mới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

 - Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của giáo dục mầm non, đặc biệt là ở những vùng đặc biệt khó khăn. Xin bà cho biết một vài nét của các trường mầm non Hà Nội trước và sau Quyết định 161 ?

Trước khi có Quyết định 161, Hà Nội có hơn 300 trường với các loại hình: công lập, dân lập, tư thục, hiệp quản, mầm non nông thôn. Các trường mầm non nông thôn khi ấy đều ở diện 4 không: không quyết định thành lập, không tài khoản, không con dấu, không thủ quỹ. Sau Quyết định 161 và sau Kế hoạch 55 của UBND thành phố, một số trường công lập hoạt động có chất lượng đã chuyển sang hoạt động theo mô hình BC. Hầu hết các trường mầm non nông thôn cũng đã có tư cách pháp nhân. Cơ chế hoạt động của trường mầm non BC nông thôn đang dần được hoàn thiện thì Luật Giáo dục mới lại có hiệu lực và theo đó không còn mô hình BC nữa. Đây là khó khăn không chỉ của riêng Hà Nội mà còn là của nhiều địa phương khác trên cả nước.

 - Đứng trước thực trạng này, Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào cho việc chuyển đổi mô hình trường BC ?

Để chủ động trong vấn đề này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã nghiên cứu và sẽ tham mưu, đề xuất với UBND thành phố hướng thực hiện Luật với từng loại hình trường BC.

Trong tổng số 161 trường mầm non BC các loại như thành lập mới, công lập chuyển sang, hiệp quản và mầm non nông thôn thì số lượng các trường mầm non BC nông thôn là nhiều nhất (118 trường). Theo khái niệm của Luật Giáo dục 2005, nội hàm của trường dân lập có sự thay đổi gần với mầm non BC nông  thôn hiện nay, cơ sở vật chất chịu sự quản lý của cộng đồng dân cư. Vì vậy, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND thành phố chuyển các trường mầm non BC nông thôn sang hình thức hoạt động như các trường dân lập, tức là có sự đầu tư về cơ sở vật chất của Nhà nước, còn kinh phí cho các hoạt động lấy từ nguồn thu học phí.

Những trường mầm non BC từ công lập chuyển sang (gồm có các trường trực thuộc Sở GD-ĐT và các trường tốp đầu của các quận, huyện) đều là những trường có chất lượng tốt về chăm sóc, giáo dục trẻ, đang tạo được lòng tin và uy tín với xã hội. Chúng tôi sẽ đề xuất với UBND thành phố có hướng đầu tư cho các trường này thành các trường trọng điểm chất lượng cao, hoạt động theo cơ chế dịch vụ công ích, đáp ứng nhu cầu mức cao của nhân dân.

 - Một trong những vấn đề mà nhiều người băn khoăn nhất hiện nay là chế độ, chính sách cho giáo viên khi chuyển đổi mô hình. Xin bà cho biết hướng giải quyết cho những đối tượng này ?

Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính để đề xuất với UBND thành phố về một số chính sách với giáo dục mầm non, trong đó có chế độ với giáo viên ở những đơn vị này. Cụ thể, những giáo viên này ngoài hưởng mức lương tối thiểu do Nhà nước hỗ trợ là 350.000 đồng/tháng thì còn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách và tiến tới đề nghị thành phố cho phép các đối tượng này được hưởng lương theo ngạch bậc quy định, kinh phí lấy từ những khoản thu hợp pháp. Riêng với những vùng khó khăn như huyện Sóc Sơn, chúng tôi cũng đề nghị thành phố cho phép thành lập các trường công lập để bảo đảm sự công bằng trong giáo dục.

- Ở trên bà có nhắc tới việc sẽ xây dựng loại hình trường trọng điểm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu mức cao của người dân. Vậy mức học phí sẽ được tính toán thế nào ?

Với những trường trọng điểm chất lượng cao thì mức học phí đương nhiên phải cao hơn. Tùy theo khả năng, phụ huynh có thể lựa chọn trường để gửi con. Về lâu dài, nếu những trường này có thể tự hạch toán được thì kinh phí của Nhà nước sẽ dành để đầu tư cho những vùng khó khăn hơn.

 - Xin cảm ơn bà !

Hà Nội Mới