Dặm trường không ngăn nổi bước chân Nhưng thật ngạc nhiên, 5 năm liền, Triều viết đơn để được lên dạy mẫu giáo ở chốn "khỉ ho cò gáy" ấy. Thấy cô quyết liệt quá, lãnh đạo huyện Bố Trạch cũng tìm cách mở cho được lớp mẫu giáo ở Tân Trạch và Thượng Trạch sau nhiều năm ấp ủ. Và lớp học đầu tiên được khai giảng vào đầu năm học 2009-2010. Vậy là lần đầu tiên có lớp mẫu giáo cho đồng bào Ma Coong. Triều kể: "Chuyến đi lên đây thăm bạn vào năm 2004 đã để lại cho em nhiều ấn tượng, em thầm hứa sẽ trở lại và làm một điều gì đó cho mảnh đất này. Khi đang dạy dưới xuôi, em nghe nói nhiều về đề án "xóa bản trắng" mở lớp mẫu giáo cho 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch nhưng mãi không thực hiện được, thế là em làm đơn xin đi. Xin mãi chẳng ai cho, vì nhiều điều kiện khác chưa có, may là năm nay lên được. Khi nhận quyết định, em mừng quá, tìm ngay mấy anh bạn dạy trên này để xin đi cùng. Gia đình, bạn bè can ngăn nhưng lòng em đã quyết; chồng cũng dạy xa nên em gửi con cho bà ngoại. Lên đường với hai bàn tay trắng, trong lòng ngổn ngang nhưng em tin là mình làm được. Em cầm tờ quyết định đến trình với lãnh đạo xã và trường tiểu học, THCS thì ai nấy đều trố mắt ngạc nhiên. Ngay ngày hôm sau, em bắt đầu đi từng nhà tâm tình nhỏ to, giảng giải những điều nên làm với bà con, có lẽ thấy mình nhiệt tình nên ai cũng vui và lắng nghe. Và ngày 6.9.2009, buổi học đầu tiên chính thức bắt đầu". Bây giờ trẻ con Ma Coong luôn sạch sẽ khi đến trường mỗi sáng sớm - Ảnh: Trương Quang Nam Cô và trò cùng dệt cổ tích Điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh của trẻ em Ma Coong bây giờ đã thay đổi. Đúng như lời cô Triều: "Khi em lên đây, các cháu đều trần truồng, bẩn thỉu, nước mắt nước mũi lò thò nhưng giờ anh thấy đó, đứa nào cũng sạch sẽ hơn, mặc áo quần đàng hoàng. Mỗi lần về quê em đều đi xin áo quần cũ còn dùng được mang lên cho các cháu. Khi gặp người quen, các cháu đều vòng tay chào, thế là em mừng lắm rồi". Một sự thay đổi nữa khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là hình ảnh một người đàn ông dắt con đi học. Hiện ở nhiều nơi, việc thay đổi tập tính của người dân tộc thiểu số là điều không đơn giản bởi họ thích gì làm nấy, học sinh thích thì đến trường, không thích thì ở nhà chơi. Thế mới thấy giá trị việc học cho trẻ ở Thượng Trạch. Bí quyết nào khiến người trẻ như Triều làm được? Nụ cười luôn nở trên môi và những cử chỉ ân cần, không biết giận đối với học sinh của cô đã trả lời cho câu hỏi đó. Triều lại dẫn chứng: "Ban đầu, mấy đứa chỉ thích lang thang dọc khe suối chơi nhưng giờ đã thích đến lớp học, thích múa hát, vẽ và chơi đồ chơi". Triều cũng đã biết tiếng Ma Coong, tăng thêm 3 lớp với 20 cháu, trong đó có 1 trẻ khuyết tật. Mới đây, Triều vừa đoạt giải cao trong cuộc thi quản lý giáo dục cấp huyện. Đây sẽ là động lực cho cô tiến bước. Nhìn đám trẻ con Ma Coong quần áo tươm tất tung tăng đến trường trong sáng sớm, tôi tin Triều sẽ làm được nhiều hơn thế. Theo Thanh Niên |