Thi giáo viên giỏi dạy hòa nhập cấp thành phố: Giúp trẻ hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng Với chủ trương đưa trẻ khuyết tật học hòa nhập, bên cạnh việc cung cấp tài liệu chuyên môn, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức các lớp tập huấn cho trường có trẻ hòa nhập nhằm giúp giáo viên phần lớn chưa qua đào tạo về chuyên ngành này có thêm những kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức thi GV giỏi trẻ hòa nhập cấp thành phố cho các trường để đánh giá kết quả tay nghề mà các trường đã triển khai thực hiện kế hoạch trong thời gian qua; đồng thời đúc kết, chia sẻ kinh nghiệm cho các trường và các giáo viên đang trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ hòa nhập. Trong đợt này, sáng 15-3, trường MNBC 19-5 đã đón đoàn chuyên viên Phòng MN-Sở GD&ĐT về chấm thi GV Giỏi Trẻ hòa nhập cấp thành môn Tạo Hình, chủ đề “Các con vật sống trong rừng”. Trẻ hòa nhập được học bình thường với các trẻ khác trong lớp dưới sự tổ chức các hoạt động của giáo viên. Trong suốt quá trình dạy, giáo viên luôn theo sát trẻ hòa nhập tạo sự gần gũi thân thiết để biết được kỹ năng trẻ thực hiện đến đâu; từ đó có sự điều chỉnh hạ thấp hoặc nâng cao yêu cầu so với các trẻ khác phù hợp với nhu cầu, hứng thú và kỹ năng sẵn có của trẻ hòa nhập. Cụ thể, khi cô đưa ra yêu cầu vẽ tai Thỏ, trẻ tự kỷ này chưa thể tự vẽ hình tai Thỏ, cô vẽ sẵn các nét đứt để trẻ vẽ đồ lên các nét đứt đó, thậm chí cô có thể cầm tay trẻ thực hiện giúp trẻ tự tin, quen dần…Sản phẩm của trẻ hòa nhập làm ra được treo lên nhận xét, khen ngợi như các sản phẩm khác tạo sự phấn khích, thích thú, tự tin đối với trẻ. Năm học 2005-2006, trường MNBC 19-5, Q.10 lần đầu tiên đưa chương trình GD hòa nhập trẻ khuyết tật vào nhà trường. Tuy chỉ mới thực hiện nhưng bước đầu có nhiều khả quan: đầu năm trẻ mắc bệnh tự kỷ hay xa lánh, sợ tiếp xúc với cô và các bạn trong lớp thì giờ đây bước đầu tiếp cận với cô và bạn, bắt chước làm theo cô và bạn và đã có thể tự làm ra các sản phẩm cho mình dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của cô. Ngoài ra, trẻ bắt đầu có một số kỹ năng đơn giản tự phục vụ và kỹ năng giao tiếp. Những thành quả này có được là xuất phát từ việc giáo viên đã biết xây dựng các mối quan hệ phong phú dựa trên sự tin cậy và tôn trọng trẻ để trẻ tự kỷ cảm thấy tự hào là mình đã khôn lớn, có ích, được mọi người tin tưởng và quan tâm; đặc biệt hơn đó là sự bắt nguồn từ tình cảm; có thể nói tình cảm yêu thương và sự kiên nhẫn của giáo viên trường là yếu tố rất quan trọng để dẫn dắt trẻ trở lại bình thường. Trao đồi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Tiết Hạnh – Phó phòng MN Sở GD&ĐT cho biết: Việc đưa trẻ khuyết tật vào các trường MN hiện nay giúp trẻ có thể hòa nhập vào cộng đồng để sau này trẻ có thể tự lo cho bản thân và phát triển tốt hơn. Khi dự tiết giáo viên giỏi trẻ hòa nhập các trường, nhìn chung các giáo viên đều cố gắng trong phương pháp dạy trẻ bình thường có thêm trẻ khuyết tật trong lớp làm sao để trẻ có thêm tri thức và bản thân tiến bộ hơn ban đầu khi chưa được học. Có thể nói, trường MNBC 19/5 quận 10 là trường có đầu tư tiết dạy trẻ hòa nhập rất tốt, giáo viên rất cố gắng, cháu tự kỷ có tiến bộ hơn nhiều so với đầu năm, biết chơi với bạn, biết làm ra sản phẩm,…dưới sự giúp đỡ của cô để bản thân trẻ được phát triển tốt hơn. Tường Vân ( mamnon.com ) |