Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phụ huynh ngại trường dân lập?


Một cảnh tượng tưởng như chỉ có trong... tưởng tượng là nhiều người mang theo cả ghế nhựa, áo mưa, nước, bánh mỳ, sữa để dưỡng sức, giúp trụ được trong "cuộc chiến" đầy cam go mua hồ sơ xin cho con học mầm non.

Nhiều gia đình có kinh nghiệm đã chủ động nghỉ làm, huy động các thành viên trong gia đình thay nhau ngồi giữ chỗ. Theo các phụ huynh tại Thanh Xuân Bắc thì nguyên nhân Trường Mầm non Tràng An cạnh đó đóng cửa để sửa chữa nên tất cả các bé ở phường đều phải dồn về Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc. Điều này khiến nhiều phụ huynh đổ xô đến để mong mua được hồ sơ cho con.

Xếp hàng xin cho con học mầm non tại Thanh Xuân Bắc

Những thực trạng, bức xúc này đã được các đại biểu HĐND TP đặt lên bàn nghị sự tại Kỳ họp thứ 21 HĐND diễn ra mới đây (ngày 13 đến 15-7). Các đại biểu HĐND TP đã chất vấn lãnh đạo ngành giáo dục TP về nguyên nhân của tình trạng này, cùng đó là chủ trương, giải pháp của TP trong việc tuyển sinh các lớp mầm non nói riêng và các lớp đầu cấp nói chung-đặc biệt là ở các khu tái định cư, khu dân cư mới.

Theo giải đáp của ngành Giáo dục Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh không muốn cho con học dân lập mà cố xin học công lập là do các văn bản của Chính phủ không quy định mức trần thu học phí đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập nên các trường thu học phí rất cao; còn nhiều trường tư thục thuê mượn cơ sở vật chất, quy mô nhỏ, thiếu sân chơi và trang thiết bị dạy học tối thiểu... nên chưa tạo được niềm tin của phụ huynh.

Khắc phục những hạn chế này, ngành đã công khai tuyển sinh các lớp đầu cấp ở các xã, phường, thị trấn và các khu dân cư; ưu tiên tuyển sinh 100% trẻ mẫu giáo năm tuổi đến trường; phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương, tổ dân phố và CA rà soát số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2010-2011; quy định đối tượng tuyển sinh đúng tuyến, trái tuyến.

Đặc biệt, để giải quyết cho nhu cầu lớn của học sinh ở các cấp trên địa bàn, ngành giáo dục đã có những tham mưu cho UBND nhằm tăng quỹ đất xây trường học, đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm xây dựng trường công lập ở khu đô thị mới, khu tái định cư. Kèm đó là tăng cường quản lý chất lượng các trường mầm non ngoài công lập, tạo sự đồng đều về chất lượng dạy học và niềm tin của phụ huynh với các loại hình trường lớp.

Năm 2009, TP đã chuyển 507 trường mầm non bán công thành trường mầm non công lập với sự trang bị cơ sở vật chất khang trang, thiết bị đạt tiêu chuẩn, mức thu học phí thấp. TP cũng có cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục phát triển, nhiều trường có cơ sở vật chất khang trang, dinh dưỡng chất lượng cao...

Tuy nhiên, sau một năm học thì thực trạng này vẫn diễn ra. Nguyên nhân vẫn nằm ở việc nhiều người lao động không có điều kiện kinh tế để trang trải học phí khi cho con theo học trường dân lập. Vì thế, họ bước vào cuộc chạy đua nhằm giành được một suất học công lập cho con để giảm bớt chi phí. Tình trạng này vẫn và sẽ tiếp tục diễn ra nếu như nguồn cung (chỉ tiêu tuyển sinh) có hạn mà nhu cầu học tập của trẻ lại quá nhiều.

Chính phủ cần có quy định cụ thể về mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, kèm đó là những đòi hỏi khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động của các cơ sở này. Khi làm được những điều đó sẽ kiểm soát được vấn đề học phí cũng như chất lượng học tập, thu hút và tạo được niềm tin cho phụ huynh, góp phần giảm tải cho các cơ sở công lập.

Theo PLXH