Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nuôi con học mầm non tốn hơn đại học


Có hai cô con gái song sinh đến tuổi mầm non, mỗi tháng, vợ chồng anh Quân tốn 5 triệu đồng chỉ riêng tiền đóng học cho con, bằng lương của chị Nhung, mẹ hai bé.

Hai cô công chúa của anh Quân đang theo học một trường tư thục ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Mỗi tháng, cả học phí, tiền ăn và tiền học thêm tiếng Anh mỗi bé hết khoảng 2,3 triệu đồng, đó là chưa kể tiền đón trẻ muộn, học thêm thứ bảy. Dù thấy quá oải với khoản chi phí này nhưng vợ chồng anh vẫn phải cố gắng lo cho con và tạm an ủi vì thấy cả hai bé từ ngày đến lớp đều khỏe khoắn, thích đi học.

Theo lời anh Quân, cả hai vợ chồng anh đều đi làm công ăn lương, với tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 14 triệu đồng, thì riêng các chi phí cho các con đã hết một nửa, còn lại là trang trải sinh hoạt phí trong gia đình nên chẳng tích lũy được bao nhiêu. "Tháng nào mà một trong hai đứa bị bệnh là bố mẹ coi như méo mặt", anh Quân chia sẻ.

Anh kể, ban đầu, muốn tiết kiệm, anh cũng cố cạy cục xin cho con đi học trường công ở gần nhà nhưng vì lớp quá đông, gần 65 cháu, hai bé nhà anh lại hay ốm vặt, ăn ít, nên đi học được một tuần thì ốm mất 3 tuần và không thích đến trường. Cuối cùng, anh chị đành cho con vào học một trường mầm non tư ở cùng khu vực.

Cảnh tượng quen thuộc các vị phụ huynh chen lấn để xin cho con vào học trường mầm non công ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Mỗi tháng chi một triệu rưỡi đóng góp cho cô con gái 3 tuổi đi học, chị Ngọc Phương, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cũng phải cố gắng dè sẻn các khoản chi tiêu của gia đình.

Chị cho biết, thu nhập của vợ chồng chị mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng, lại phải thuê nhà, nên ngân sách cho các khoản khác rất eo hẹp. Là dân ngụ cư, chị Phương không thể xin được cho con một suất vào mấy trường công trong khu vực gần nhà vì chỗ nào cũng "trái tuyến". Hơn nữa, nếu có xin được, anh chị cũng không thể sắp xếp thời gian về đón con sớm nên đành nhòm ngó mấy trường tư thục.

"Thật ra, cạnh nhà mình cũng có vài nhóm trông trẻ và lớp tư thục, mức phí rẻ hơn, chỉ tầm 700 nghìn cả học phí và tiền ăn, nhưng mình không yên tâm khi thấy cơ sở thì không có giấy phép, mà bọn trẻ ở đó nhìn nhếch nhác lắm, cũng chẳng được phân lớp theo tuổi, đứa lên 2 học chung với đứa lên 4. Thôi thì bố mẹ cố thắt lưng buộc bụng, cho con đi học chỗ đắt hơn một tí mà yên tâm", chị Phương thổ lộ.

Chị cho biết, trường tư của con chị cũng có sân chơi, tuy khá chật chội. Chị vẫn mơ ước cho con được học ở một môi trường rộng rãi, cơ sở vật chất tốt hơn, được tiếp cận với các phương pháp giáo dục hiện đại, nhưng nếu một trường tư có đủ điều kiện như vậy thì mỗi tháng chị phải đóng tới 2-3 triệu đồng, thậm chí hơn. "Thôi, bố mẹ khó thì con đành chịu khổ vậy", chị Phương phân bua.

Cũng cho cô con gái 2 tuổi tên Bống đi học, vợ chồng chị Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tháng nào cũng lục đục với nhau vì quá tải lo khoản học phí cho con. Chị Thanh cho biết, vốn khó khăn từ lúc nhỏ nên chị luôn tâm niệm dù mình vất vả cũng phải cố gắng cho con đầy đủ và được học hành ở trường tốt. Có cô bạn làm trong ngành mầm non, chị được khuyên nên gửi con vào trường tư lúc mới cho bé đi học vì như vậy bé sẽ được chăm sóc tốt hơn, còn sau đó, nếu không có điều kiện, thì khi bé cứng cáp, tầm 3-4 tuổi, lại xin sang trường công.

Cắn răng cho con vào học một trường tư với tổng chi phí mỗi tháng là 1,9 triệu, chưa kể hơn 700 nghìn tiền nhập học, chị chỉ hy vọng con gái sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và đừng đau ốm gì. Con mới học được 3 tháng, chị lại nhận được email của nhà trường thông báo sắp tới sẽ tăng học phí thêm 400 nghìn nữa.

"Chọn được một ngôi trường tốt - theo nghĩa thấy con được chăm sóc chu đáo và thích đến lớp - đâu có dễ. Nhưng để lo được cho con thì bố mẹ quá vất vả. Thậm chí vợ chồng tôi còn không dám nghĩ đến việc sinh thêm em bé", chị Thanh chia sẻ.

Chị cho biết, chị làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân, mỗi tháng thu nhập được khoảng 4 triệu đồng, chồng chị làm về cơ khí, lương xấp xỉ 6 triệu nên chi phí gần hai triệu rưỡi lo cho con là quá lớn. "Mà có phải chỉ mỗi số tiền học ở trường là đủ đâu, mình vẫn phải lo tiền thức ăn, sữa, quần áo, đồ chơi cho con ở nhà nữa chứ", chị nói.

Tiếng là mới học mầm non, nhưng chi phí đến trường của bé Bống còn lớn hơn cả tiền ăn học đại học của cậu em họ chị Thanh đang ở cùng nhà. "Mỗi tháng cậu ấy được cha mẹ ở quê phát cho 1,5 triệu, bao gồm tất tần tật các khoản từ học phí, sách vở đến tiền ăn, vé xe buýt và tiền tiêu vặt. Đằng này con mình chỉ mới đến nhà trẻ thôi đã suýt soát 2 triệu. Kể với các bác ở nhà quê ai cũng trợn mắt lên bảo trẻ thành phố đi học sao tốn kém kinh khủng thế!", chị Thanh tâm sự.

Bà Hồng Chinh, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Hai Bà Trưng cho biết, mức chi phí 1,5 triệu đồng mỗi tháng ở trường bà (học phí 650.000 đồng, 25.000 tiền ăn mỗi ngày, và các khoản phụ phí) là mức gần như thấp nhất so với các trường tư trong khu vực này. Bà cho biết, do biết "yếu điểm" của trường mình là không có sân chơi rộng rãi nên phải để mức phí thấp hơn các trường khác, các khoản khác như tiền xây dựng, phụ phẩm, trông thêm ngoài giờ... cũng "mềm" hơn.

Theo bà Chinh, vì phải tự hạch toán, và thực chất cũng là một kiểu kinh doanh, nên khi mở trường tư, chủ trường phải tính toán kỹ các khoản thu - chi.

"Mức học phí ở các trường tư là do trường tự đưa ra, tùy thuộc vào điều kiện vật chất, mặt bằng và cả vị trí địa lý của trường, còn chất lượng giáo dục thật ra cũng khó kiểm chứng", bà nói.

Theo lời bà hiệu trưởng này thì các khoản thu ở trường tư sinh ra thường xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Chẳng hạn, các ông bố bà mẹ muốn quan sát được con mình ở trường đang làm gì, được chăm sóc ra sao, thì các trường sẽ bố trí camera, phụ huynh lo con nóng thì trường sẽ lắp điều hòa, rồi nếu bố mẹ thích con được học tiếng Anh, đi dã ngoại, trường cũng đáp ứng... Và tất cả các "hạng mục" này đều là lý do để đội chi phí học của con lên.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hệ thống trường mầm non công lập của Hà Nội hiện nay đang quá tải, chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu của trẻ đến trường, nên việc phát triển hệ thống trường mầm non tư thục là rất cần thiết. Tuy nhiên, mức học phí của các trường này hiện nay lại không có bất cứ một đơn vị nào quản lý, và nhiều khi khiến phụ huynh quá oải.

Theo một cán bộ Phòng kế hoạch tài chính, Sở giáo dục Đào tạo Hà Nội, thì đến thời điểm hiện tại mức thu học phí của các trường tư thục là do nhà trường tự xây dựng, và chỉ cần công khai với phụ huynh, chứ không có bất cứ cơ quan nào quản lý.

"Nếu trường đó học phí cao mà vẫn đông học sinh chứng tỏ họ có chất lượng tốt, chứ nếu không, theo cơ chế thị trường, họ làm sao mà tồn tại được", vị này nói.

Theo VnExpress