Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi trẻ em độc hại: Ngoài tầm kiểm soát


Các loại đồ chơi có tính chất bạo lực dễ ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ em khi trưởng thành
(BNS) QUY CHUẨN ĐỒ CHƠI TRẺ EM: CÓ NHƯ KHÔNG
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2009/BKHCN) đã có hiệu lực từ ngày 15-4-2010. Theo đó, các loại ĐCTE lưu thông trên thị trường buộc phải có dấu chứng nhận hợp quy (tem CR). Theo quy chuẩn này, các chỉ tiêu nhằm bảo vệ trẻ em là không được dùng vật liệu dễ bắt lửa, vật liệu có lông; không được dùng thủy tinh và sứ để chế tạo đồ chơi cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Quy định này nhằm hạn chế một số đồ chơi mang tính bạo lực và gây độc tố. Nhưng tại các chợ, điểm bán ĐCTE có hơn 90% số đồ chơi chưa có dấu CR, chưa hợp quy chuẩn, những sản phẩm gây nguy hiểm trực tiếp hoặc gián tiếp đến trẻ em vẫn được vô tư bày bán.

Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi tìm đến cửa hàng L.T (chợ Bình Tây, Q6) để hỏi mua khẩu súng loại lớn dành cho trẻ em. Ngay lập tức, người bán lấy ra một túi ni-lông màu đen lớn, bên trong chứa hàng chục loại súng y như thật để chúng tôi chọn. Các khẩu súng này có giá 80.000 - 120.000 đồng/khẩu. Người bán cho biết, đồ chơi dạng này bán chạy, nhưng phải bán... lén vì trong quy định cấm không được kinh doanh, hở ra là bị bắt. Khi nào khách có nhu cầu mới mang ra cho lựa. Một người bán hàng khác khoe một vài mẫu súng, kiếm nhựa và tiết lộ: Đồ chơi này không cho bán đâu, anh muốn có mẫu mới thì tuần sau quay lại, tôi sẽ lấy hàng về cho xem. Được biết, người mua hàng có nhu cầu mua những đồ chơi bạo lực tinh xảo như súng bắn đạn nhựa, kiếm phát quang... với giá 80.000 - 150.000 đồng thì chỉ cần đặt hàng trước một tuần, số lượng bao nhiêu cũng có.

Tại chợ Kim Biên, chợ Tân Bình, chợ An Đông, đường Phan Văn Khỏe (Q6)... chúng tôi còn thấy đồ chơi đầy tính bạo lực như súng, kiếm, đao, còng, dùi cui, mặt nạ kinh dị... và các sản phẩm có chứa chất độc hại như sơn chứa chì, thuỷ ngân được bán tràn lan. Khi nghe chúng tôi hỏi, nhiều tiểu thương tại đây ra vẻ ngơ ngác vì... chưa nghe đến quy định này bao giờ.

QUẢN LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Trước đây, dư luận trong và ngoài nước nói nhiều đến việc ĐCTE do Trung Quốc sản xuất chứa hóa chất độc hại, gây nhiễm trùng da hoặc đường hô hấp, thậm chí là tác nhân gây nên bệnh bạch cầu, ung thư... nhưng cảnh báo chỉ là cảnh báo. Đồ chơi Trung Quốc tràn vào bằng đường tiểu ngạch (không phải chịu thuế, không bị kiểm tra chất lượng...). Theo Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân tình trạng trên là do nước ta bị "lỗ hổng về trách nhiệm". Thực tế, nước ta có hành lang pháp lý tương đối chặt chẽ như quy định về thuế nhập khẩu, các thông số kỹ thuật hàng hóa... nhưng không hiểu sao hàng kém chất lượng, nhiễm hóa chất vẫn "ung dung" vào thị trường nội địa. Hơn nữa, khi hàng vào trong nước thì việc phân phối diễn ra một cách ngang nhiên mà không bị kiểm soát chặt chẽ. Theo bà Phạm Chi Lan, cách hiệu quả nhất là các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc phát hiện và xử lý mạnh tay hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, đặc biệt, phải chủ động ngăn chặn từ đầu.

Ở một khía cạnh khác, Bộ Khoa học công nghệ (KHCN) đã ban hành một quy chuẩn về danh mục các đồ chơi trẻ em từ năm 1996. Theo đó, các loại đồ chơi dành cho trẻ em trên 36 tháng tuổi phải được kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý. Đến tháng 4-2006, có thêm một quy định đối với đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phải được kiểm tra 8 nguyên tố thôi nhiễm (do trẻ em thường cho đồ chơi vào miệng hay ngậm, cắn, mút...). Tuy nhiên để thực hiện các văn bản trên trong thời điểm này. Bởi chỉ việc dán dấu CR trên nón bảo hiểm đã khó, mặt hàng ĐCTE công việc này khó gấp nhiều lần vì ĐCTE muôn hình vạn trạng, ở mỗi sản phẩm lại có hàng chục chi tiết khác nhau và được sử dụng từ các loại nguyên vật liệu cũng rất khác nhau, việc lấy mẫu đi kiểm tra cũng rất khó khăn, mất thời gian.

Thị trường ĐCTE ngày càng phong phú và đa dạng, nhưng ẩn trong đó là những hiểm họa khó lường. Khi cơ quan chức năng chưa mạnh tay kiểm soát hiệu quả chất lượng ĐCTE thì con em chúng ta vẫn hàng ngày chơi đùa với các hoá chất độc hại, nguy hiểm, dễ chuốc họa vào thân.

Theo CA TPHCM