Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giật mình với "truyện tranh cổ tích Việt Nam"


Chủ nhật, rảnh rỗi, tôi đưa con gái vào nhà sách chơi. Trước đây, tôi thường để con tự do vào khu vực yêu thích, còn mình thì tha thẩn tìm các đầu sách hay hoặc những album nhạc mới. Hôm nay, tôi tò mò vào xem con mình và các bé thường đọc những gì, cũng là để xem tình hình sách dành cho thiếu nhi hiện nay ra sao.

Ấn tượng ban đầu của tôi là số lượng đầu sách rất phong phú, in ấn đẹp, bắt mắt nhưng nội dung nhiều sách khiến tôi không khỏi giật mình.

Rất nhiều đầu sách thiếu nhi của nhiều nhà xuất bản (NXB) đều có "vấn đề" về nội dung (ý nghĩa, cốt truyện), hình thức (câu từ, hình ảnh minh họa, phục trang, bối cảnh...), nhưng nặng nhất, theo tôi, là những "Truyện tranh cổ tích Việt Nam" do Công ty truyện tranh ARTSIGN biên soạn, trình bày và phát hành thông qua hai NXB có uy tín là NXB Trẻ và NXB Giáo dục.

"Dọn đường" cho bạn đọc một tinh thần đón nhận những điều lạ lẫm, nên trong lời tựa, ARTSIGN đã rào đón: "Mong muốn giới thiệu đến bạn đọc một phong cách cảm thụ mới mẻ, với những tình tiết bất ngờ, thú vị của những câu chuyện cổ tích vốn đã trở nên quen thuộc. Theo hướng tiếp cận này, truyện cổ tích sẽ hiện đại và hóm hỉnh hơn, ngôn ngữ nhân vật sẽ hiện thực hơn, đồng thời nét vẽ sinh động, phóng khoáng, hài hước sẽ khắc họa đậm nét hơn tính lạc quan và sự tất thắng của cái thiện, lẽ công bằng trong truyện... và như thế những truyện cổ tích sẽ gần gũi hơn với tình cảm, cách nghĩ của các bạn đọc nhỏ tuổi hiện nay"...

Thực chất cái gọi là "hiện đại", "hóm hỉnh", là "ngôn ngữ hiện thực hơn"... đó là việc tùy tiện đưa vào truyện những tình tiết phi lý, những hình ảnh phản cảm, ngôn từ lai căng của giới trẻ (teen) hiện nay. Tại các đầu sách do NXB Trẻ phát hành, có thể kể những đầu truyện ít nhiều có vấn đề như Tích Chu, Chiếc nỏ thần, Quan xử án, Bánh chưng bánh dày... Trong Bánh chưng bánh dày, hình ảnh đám hoàng tử đánh nhau "bụp, uỵch, hự, bộp, ứ, á..." để giành nhau quyển bí kíp dạy nấu ăn (?), rồi sau đó nhóm đi đánh bắt rồng, nhóm đi săn hổ, câu cá mập... về chế biến thức ăn. Thậm chí Đại hoàng tử còn bị trúng độc do chế biến thức ăn lạ, phải đi cấp cứu (có xe cấp cứu, còi hụ hẳn hoi!). Còn Lang Liêu thì chiêm bao thấy... có lẽ là thần (ăn mặc không giống Bụt, cũng không giống vua, tay cầm micro, luôn bắt đầu bằng câu: Chào mừng các bạn đến với chương trình Vào bếp với người nổi tiếng!) tư vấn những món ăn ngon, ý nghĩa để rồi sau đó chiến thắng, được vua truyền ngôi!

Tại các đầu sách do NXB Giáo dục phát hành, tình trạng phản giáo dục có lẽ còn nghiêm trọng hơn bởi hàng loạt truyện cổ tích kinh điển Việt Nam đều bị méo mó trầm trọng. Trong truyện Sự tích cây nêu ngày Tết, nội dung lồng ghép lung tung. Ban đầu là việc người và quỷ sống chung hòa bình, rồi đến việc giành phần lương thực: khi quỷ giành phần ngọn, người dân bèn trồng khoai; khi quỷ giành phần gốc, người dân bèn trồng lúa; khi quỷ giành cả phần gốc và ngọn, người dân bèn được Bụt hiện lên (đầu hói, râu dê, tự xưng là nhân vật... đẹp trai nhất truyện!) bày cách cho người dân trồng bắp. Quỷ ăn không được dẫn đến đánh nhau, rồi bụt làm phép, dùng mưu đuổi quỷ... Xen lẫn cả truyện là những từ ngữ khó nghe như bụp bụp, măm măm, xơi, dzô, hế lô, bái bai... rất kỳ cục!

Trong truyện Viên ngọc ước, khi anh ở đợ đi chăn trâu về trễ, phú hộ đã hỏi: "Mày đi chăn trâu bên I-rắc hay sao mà về trễ vậy?". Rồi khi anh này có viên ngọc ước thì không biết nên ước mình trở thành siêu nhân hay thành Bill Gates (anh ta còn nói: nếu mình thành Bill Gates thì ông Bill Gates thật sẽ ra sao?). Cuối cùng, anh ta ước một khu nhà có hồ bơi, phòng tập thể hình, phòng chiếu phim, phòng massage, có vợ đẹp, có cả con chó Chihuahua nữa!

Nhân vật Bụt cũng gây phản cảm với hình ảnh đầu trọc, râu quai nón, tay cầm chùy và hành vi... gãi gãi mông với câu nói: "ui da, muỗi cắn đau quá!". Trong truyện Ăn khế trả vàng, con vật xuống ăn khế là... con chim heo mập ú, nói ngọng, phàm ăn (thể hiện qua một loạt từ măm măm, sực sực, ực ực, rột roẹt, ợ...). Khi người anh đổi vườn, bèn gắn trái khế giả lên cây, rồi gài bẫy, chim heo ăn không được tức quá bay xuống cắn họ thì bị vướng bẫy (lưới) buộc phải đưa đi lấy vàng, nếu không sẽ bị làm thịt, nướng ăn! Nhiều truyện khác như Từ Thức, Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Cây tre trăm đốt... đều có những sai lệch cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Với tư cách là một phụ huynh, tôi không cho con tôi đọc những loại truyện thế này vì không phù hợp và không bổ ích gì cho con tôi cả trong ý nghĩa giải trí lẫn giáo dục đạo đức. Nếu bé yên trí rằng truyện cổ tích VN là như thế, thì nguy.

Riêng về góc độ xã hội, những loại truyện như vậy là tốt hay xấu; có tác động, có ảnh hưởng gì đến đạo đức, tư tưởng, ý thức của thiếu nhi hay không; ảnh hưởng thế nào... thì xin nhường câu trả lời này cho những người làm công tác giáo dục và xuất bản.

Theo PN