Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để phát huy hiệu quả đồ dùng dạy học tự làm


Những đợt thi sáng tạo đồ dùng dạy học (ĐDDH) ở bậc học mầm non đã mang lại hiệu quả thiết thực: giáo viên giảng dạy hăng say hơn, học sinh tư duy năng động hơn… nhờ được trực quan sinh động. Tuy phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả tác dụng của ĐDDH tự làm đã động viên, cổ vũ thầy cô giáo nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, say mê sáng tạo…


Cô Nguyễn Thị Phương Hằng, Trường Mẫu giáo Trường Xuân A, huyện Cờ Đỏ, đang chuẩn bị bộ tranh truyện cho tiết học làm quen văn học & chữ viết. 

Sinh động và hấp dẫn từ những ĐDDH tự làm

Tiết học làm quen với Văn học và chữ viết của lớp mẫu giáo 5 tuổi tại Trường Mẫu giáo Trường Xuân A, huyện Cờ Đỏ, trở nên sinh động hơn khi cô Nguyễn Thị Phương Hằng đưa ra bộ tranh bằng giấy do cô tự làm. Mỗi một chữ cái đi kèm với một bức tranh nhỏ về các con vật, có kèm theo câu hỏi đã lôi cuốn các cháu vào bài học, cháu nào cũng hăng say phát biểu. Cô Phương Hằng phấn khởi nói: “Trước đây, chủ yếu tôi dạy chay, cô nói- trò nghe nên dù rất cố gắng, cũng không thể làm học sinh tập trung như mong muốn và thật sự cũng không phát huy được tư duy của các cháu. Nhờ có ĐDDH, giờ học sinh động hẳn lên; bây giờ, nếu không có ĐDDH tôi thấy khó khăn khi lên lớp”.

Điểm mẫu giáo Thới Hòa B, xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ, có hơn 20 cháu. Mặc dù cơ sở mượn nhờ nhà dân nhưng cô giáo Võ Thị Thu Vân vẫn dành thời gian đầu tư cho giờ dạy rất chu đáo qua những ĐDDH tự làm. Cả lớp cứ tròn mắt ngạc nhiên khi cô Vân mang bộ bình- tách trà tự làm ra. Các cháu tranh nhau cầm thử và không giấu nổi ngạc nhiên, nhận xét: “Đây là vỏ chai sữa hôm trước mình uống!”. “Đây là cái ly mủ uống nước ngọt mình bỏ hôm rồi”… Cô Vân cười, nhỏ nhẹ: “Các cháu nói rất đúng. Bộ bình trà này tôi làm từ vỏ chai sữa, chai xirô, chai nước trái cây bằng nhựa… mà các cháu vứt bỏ sau khi uống”.

Từng cấp lớp đều có những yêu cầu khác nhau nhưng lứa tuổi mầm non, tiểu học rất tò mò, hay khám phá. Vì vậy, trực quan sinh động là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của bài giảng. Thầy Nguyễn Văn Lập, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Ái 1, huyện Phong Điền- trường có nhiều thành tích trong sáng tạo ĐDDH của huyện- cho biết: “Nhiều năm qua, giáo viên của trường đã quen làm và sử dụng ĐDDH. Hiệu quả thực tế là chất lượng dạy học ngày càng được nâng lên”. Chỉ vào bức tranh đèn minh họa cho tiết học lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ, thầy Lập khẳng định: “Những màu đèn minh họa cho từng trận đánh vào các đồi A1, A2... nên học sinh rất dễ hiểu, chứ chỉ nhìn vào tranh trong sách thì rất khó hình dung diễn biến trận đánh”.

Có thể nói giá trị kinh tế của những ĐDDH ở các lớp nhà trẻ, mẫu giáo không lớn, nhưng các giáo viên phải đầu tư làm rất công phu. Chẳng hạn, bộ tranh truyện của cô Hằng cũng được làm từ giấy cứng đã bỏ mà cô xin được. Ngoài yếu tố kinh phí, việc tận dụng này còn giáo dục học sinh bảo vệ môi trường và biết cách tiết kiệm… Ý nghĩa, hiệu quả của ĐDDH tự làm đã được khẳng định, tuy nhiên để làm ĐDDH, giáo viên mất rất nhiều thời gian, công sức nên cần có sự hỗ trợ hợp lý.

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Theo cô Nguyễn Ngọc Diễm, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, thực tế ĐDDH được cấp cho trường không đủ sử dụng. Mặt khác, ở bậc học mầm non, giáo viên phải luôn sáng tạo đồ dùng, đồ chơi để thu hút trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo một cách có định hướng. Cô Lý Thị Thắm, cán bộ phụ trách mầm non của Phòng Giáo dục huyện Phong Điền, cho biết: “Giáo viên mầm non rất vất vả trong việc nuôi dạy cháu và càng vất vả hơn khi làm ĐDDH, nhưng nếu không làm thì tiết học sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn”. Theo chương trình giảng dạy mới của bậc học mầm non, phải tạo điều kiện cho cô và cháu cùng làm ĐDDH. Nhưng do chưa sắp xếp, tổ chức được nên hiện nay hầu hết giáo viên đều tự làm ĐDDH một mình.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Phòng Giáo dục huyện Phong Điền, nhận xét: “Không thể phủ nhận hiệu quả dạy học từ những ĐDDH tự làm của giáo viên nhưng để làm được một ĐDDH, giáo viên phải bỏ ra rất nhiều công sức, nhất là ở bậc học mầm non”. Thầy Hoàng dẫn chứng cứ đến thứ bảy, chủ nhật là giáo viên mầm non tập trung nhau lại để làm ĐDDH. Có trường còn hùn tiền lại để nấu cơm trưa cho những giáo viên đến trường làm ĐDDH ăn tại trường... mặc dù đây là ngày nghỉ. Theo nhiều giáo viên, có tập trung làm như thế mới đủ ĐDDH và mới kịp dạy.

Cô Phương Hằng phải mất hơn 2 ngày nghỉ của mình mới hoàn thành bộ tranh truyện. Cô Thu Vân cũng dành gần 1 ngày để làm bộ tách trà. Còn với sơ đồ trận thắng Điện Biên Phủ của Trường Tiểu học Nhơn Ái 1, tập thể giáo viên mất hơn 3 ngày mới làm xong. Cô Phan Thị Ngọc Hồng, giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai, cho biết: “Từ lâu, tôi có ý tưởng làm một dàn nhạc đồ chơi nhưng chưa thực hiện được. Suốt tuần dạy bán trú, tối về soạn giáo án, thứ bảy, chủ nhật phải vào trường làm vệ sinh lớp học, giặt mùng màn... nên chẳng còn thời gian”.

Đành rằng làm ĐDDH cũng là chuẩn bị cho tiết dạy, trong qui chế hoạt động của ngành vẫn có thời gian cho việc này. Nhưng thực tế cho thấy những giáo viên dạy bán trú sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm ĐDDH và họ phải tận dụng thời gian nghỉ buổi trưa hoặc những ngày nghỉ cuối tuần của mình. Vì vậy, mong muốn của những giáo viên này là được ngành hỗ trợ tương xứng với công sức đầu tư làm ĐDDH, nhằm khuyến khích sức sáng tạo của giáo viên.
 
Báo Cần Thơ