Quảng Nam: Khốn khổ vì sống trong “xã treo” Xã Điện Dương (huyện Điện Bàn) được gọi là "xã treo" vì hàng chục dự án được quy hoạch từ 10 năm nay vẫn không được triển khai. Nhà cửa đất đai của người dân không được sang nhượng, xây mới, thậm chí trường mẫu giáo cũng phải thuê vì không được xây dựng.. Nhiều nhà dân bị hư hại nặng nhưng không thể sửa chữa vì phải đợi giải tỏa. Xã Điện Dương có gần 4.000 hộ dân với 14.000 nhân khẩu, trong đó có 30% sống bằng nghề biển, số còn lại sống bằng nghề nông và các nghề khác. Theo thống kê của UBND xã, hiện toàn xã có 25 dự án được quy hoạch, trong đó có 800ha được quy hoạch khu du lịch và khu dân cư, phần diện tích còn lại được quy hoạch làm khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc giai đoạn 3. Tuy nhiên, trong số 25 dự án trên mới chỉ có vài dự án được đưa vào hoạt động như khu resort The Nam Hải, khu du lịch Kim Vinh còn lại vẫn chỉ là các dự án... treo. Điển hình là dự án Biển Rồng (Dragon Beach) với vốn đầu tư 4,15 tỉ USD được nói từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thấy nhúc nhích. Dự án này trùm lên cả 4 thôn của xã là: Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây, Hà Quảng Bắc và Quảng Gia với diện tích lên đến 460 ha do Tập đoàn Hoa Kỳ là Tano Capital, LLC và Global C&D đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch xây dựng, Dragon Beach sẽ bao gồm một khu liên hiệp du lịch biển cao cấp, bao gồm khách sạn, casino, trung tâm thương mại, một trung tâm hội nghị quốc tế với 10.000 chỗ ngồi và một khu giải trí... Theo thiết kế, sau khi thực hiện, bãi biển ở đây sẽ biến thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế và cũng là dự án du lịch lớn nhất miền Trung. Ngoài ra, còn hàng chục dự án khác cũng bị treo từ nhiều năm nay như dự án Trường Sơn được quy hoạch trên diện tích 7,7ha, sau này được đổi tên thành Hải Long nhưng cũng thấy chưa thấy động tĩnh gì. Tiếp đến là dự án Sài Thành được quy hoạch 125ha, diện tích này đã được đền bù giải tỏa nhưng từ năm 2005 đến nay vẫn để không. Tháng 8/2009, dự án này đã bị tỉnh Quảng Nam thu hồi trên 90ha vì không hoạt động. Do bị "treo" mấy năm nay nên hàng ngàn hộ dân sống ở xã Điện Dương gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đất đai không được sang nhượng, nhà cửa không được xây mới dù đã xuống cấp nặng, con cái không được tách thửa để ở riêng... Ông Trần Văn Mười (trú thôn Hà Quảng Bắc) bức xúc: Có tiền cũng không thể sửa nhà cửa được trong khi mùa mưa bão năm ngoái đã làm hư hại gần hết, mà không sửa thì mùa mưa bão năm nay khó bề trụ nổi". Ông Mười cho biết, nhà ông nằm trong khu quy hoạch bệnh viện C (Đà Nẵng) đã được đo đạc áp giá nhưng mấy năm qua không thấy động đậy gì nên người dân ở đây hết sức khổ sở. Còn ông Huỳnh Bá Linh (thôn Hà Quảng Đông) nằm trong dự án Biển Rồng cũng bị treo từ năm 2008 đến nay không thể tách thửa và xây dựng nhà mới mặc dù nhà cửa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. "Người dân ở đây cần câu trả lời dứt khoát từ chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Một là giải tỏa ngay, hai là không để chúng tôi ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp chứ "treo" hết năm này sang năm khác không ai chịu nổi", ông Linh bức xúc. Ngoài ra, tình trạng "treo" cũng ảnh hưởng đến việc học của các cháu mẫu giáo. Do bị treo mấy năm nay nên rất nhiều phòng học của các cháu mẫu giáo trong xã đã bị bão lũ tàn phá nhưng cũng không thể xây mới hoặc sửa chữa nên địa phương đành phải thuê nhà dân để đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là tuy bị cấm xây nhà mới hoặc bán đất nhưng vì bức xúc chỗ ở nên tình trạng xây nhà "chui" vẫn diễn ra hàng ngày. Dọc con đường du lịch ven biển nối TP Đà Nẵng với Hội An chạy qua xã, rất nhiều ngôi nhà mới đã xây mới và nhiều nhà đang xây dở dang. Một người dân đang xây nhà cho biết: Nhà xuống cấp nhưng xin xã không cho xây mới nên tôi cứ xây, tới đâu thì tới, vì mưa bão sắp đến sập chết ai chịu. Nhà không cho phép dân vẫn cứ xây, đất đai không cho chuyển nhượng nhưng nhiều thửa đất đã được sang tay. Liệu chính quyền địa phương có biết? Ông Lê Văn Khuê, Chủ tịch xã Điện Dương cho biết: Xã biết hết những chuyện đó nhưng vì nhu cầu bức xúc về nhà ở nên khi phát hiện những trường hợp xây mới xã cũng lập biên bản rồi để cho dân xây tiếp chứ cấm triệt thì dân không có chỗ ở. Còn về trường học cho các cháu mẫu giáo, theo ông Khuê, xã nhiều lần kiến nghị nhưng huyện không đồng ý nên vì bức xúc chỗ học nên xã tự đứng ra xây ở một số thôn, còn lại một số thôn chưa có kinh phí nên phải thuê nhà dân hoặc trường tiểu học cho các cháu học. Ông Khuê cũng cho biết, người dân ở xã này không thể tự định đoạt cuộc sống của mình mà phải chờ ông chủ các dự án treo và chờ... cấp trên chứ bản thân ông cũng không thể quyết định gì được với cái sự "treo" ở xã mình mấy năm nay. Theo Dân Trí |