Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều trẻ đã tiêm phòng lao vẫn mắc lao


Số trẻ điều trị lao ở Bệnh viện phổi Trung ương đang gia tăng, trung bình 40 - 50 cháu nhập viện mỗi tháng. Nhiều trẻ mắc lao thể nặng như lao kê, lao màng não, lao phổi AFB (+)... dù đã tiêm phòng lao.

Nguồn lây quá mạnh
Theo thống kê tại khoa Nhi của Bệnh viện phổi Trung ương, lao phổi chiếm cao nhất với 40%, lao màng não 10%, lao cột sống chiếm 17%. Thạc sĩ Hoàng Thanh Vân, Trưởng khoa Nhi, cho biết nhiều gia đình ngỡ ngàng khi đưa con đến khám và được chẩn đoán mắc lao, bởi con họ đã tiêm phòng bệnh này.

Thực ra, hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng lao chỉ là 70%. Nếu như nguồn lây trong gia đình quá mạnh, tức có 3 - 4 người lớn cùng mắc lao thì trẻ sẽ rất dễ mắc bệnh này dù đã tiêm phòng. Đặc biệt, nhiều thể lao không có triệu chứng rõ ràng nên khi "phát" thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Nhiều khi trẻ phải nhập viện chữa lao, gia đình mới phát hiện nhiều người lớn khác cũng mắc bệnh. Ảnh: Hồng Phạm.

Cháu Nguyễn Quang Hưng (6 tháng tuổi, ở Thanh Hóa) bị ho, sốt kéo dài. Gia đình nghĩ cháu bị viêm phổi nên đưa đến bệnh viện huyện, tỉnh khám. Vừa khóc nức nở, mẹ cháu bé vừa tâm sự: "Em không hề nghĩ con bị lao bởi tay cháu vẫn còn vết tiêm phòng lao thành sẹo".

Ở quê, cháu đã được uống nhiều lần thuốc chữa viêm phổi nhưng bệnh không giảm. Gia đình đã khăn gói đưa cháu Hưng ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) khám. Tại đây, cháu mới được "bắt" đúng bệnh là mắc lao kê, rồi được chuyển sang Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị. Lúc này, mẹ bệnh nhân đi xét nghiệm, kết quả là chị cũng bị lao kê mặc dù không có triệu trứng. Sau đó, cả bố cháu và bà nội cũng đi xét nghiệm, kết quả tương tự.

Thạc sĩ Hoàng Thanh Vân cho biết thêm, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với nguồn lao rất dễ nhiễm và phát bệnh. Ngay cả những trẻ lớn cũng dễ nhiễm bệnh này, như cháu Đoàn Đình Đức, 10 tuổi, ở Nam Định. Khi đén khám ở tuyến Trung ương, cháu mới được chẩn đoán mắc đồng thời lao kê và lao màng não, phải điều trị tích cực nhiều ngày mới thoát khỏi giai đoạn hôn mê sâu. Các bác sĩ truy vấn ngược thì phát hiện trong gia đình cháu Đức có đến bốn người lớn mắc lao.

Người lớn sau khi nhiễm khuẩn lao thường sau 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm sau mới phát bệnh. Trong thời gian ủ bệnh đó, họ sẽ lây cho trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần, hay khi chăm sóc trẻ. Nếu trong nhà có nhiều người bệnh thì trẻ càng khó tránh.

Điều trị kéo dài
Với những trẻ đã mắc lao thể nặng như lao kê, lao màng não, lao cột sống... việc điều trị rất khó khăn, kéo dài. Bên cạnh việc dùng thuốc đều đặn 6 - 8 tháng, bệnh nhi còn phải được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi ảnh hưởng của thuốc đối với gan, thận, tình trạng dị ứng... Sau một tháng điều trị tại bệnh viện Trung ương, trẻ được chuyển về tuyến tỉnh, huyện điều trị ngoại trú và phải kiểm tra định kỳ.

"Nhiều gia đình rất ý thức đưa con trở lại cơ sở y tế kiểm tra đều và được cách ly nguồn lây nên đã khỏi bệnh hoàn toàn", thạc sĩ Hoàng Thanh Vân khẳng định. Song cũng có những cháu bị di chứng liệt vận động, chậm phát triển trí tuệ bởi trẻ được đưa đến cơ sở y tế quá muộn khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm phòng lao đúng hạn. Khi phát hiện trong gia đình có nguồn lây bệnh lao, phải cách ly trẻ, không cho tiếp xúc với người đó, cho dù trẻ đã được tiêm phòng. lao. Nếu trẻ bị ho kéo dài trên hai tuần, sốt về chiều (từ 37,5 đến 38,5 độ C), điều trị một vài đợt kháng sinh không đỡ, lại kém ăn, gầy ốm thì nên đưa đến cơ sở y tế khám lao.

Theo Đất Việt