Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ


Trung bình mỗi ngày ở Việt Nam, tai nạn thương tích cướp đi mạng sống của hơn 20 người chưa thành niên. Nhiều em khác may mắn sống sót nhưng phải chịu khuyết tật, tổn thương suốt đời.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tư vấn cấp cao về xây dựng Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 diễn ra ngày 29/6.

Trẻ tử vong chủ yếu vì đuối nước

Ba mẹ của một bé trai 2 tuổi ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp không bao giờ quên được ngày con trai chết đuối cách đây 7 năm. Khi người lớn đang bận rộn trong nhà, cậu bé đã bò ra ngoài cửa và ngã xuống sông. Giống như hàng nghìn gia đình khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngôi nhà được xây gần bờ sông và bên dưới cửa ra vào là dòng nước. Cậu bé được vớt lên khỏi mặt nước sau khi ngã đúng 2 phút nhưng không ai ở đó biết cách hô hấp nhân tạo. Ba mẹ cháu nhanh chóng đưa cậu bé đến bệnh viện gần nhất nhưng cũng mất 15 phút và tất cả đã quá muộn. Cái chết thương tâm này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có cổng rào chắn xung quanh nhà, người lớn biết kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản...

Ông Nguyễn Trọng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết, năm 2009 cả nước xảy ra trên 75.000 trường hợp tai nạn thương tích trẻ em, trong đó tỷ lệ trẻ em bị chết do đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất, hơn 46%. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở bé trai cao gấp đôi so với ở bé gái và cao nhất ở nhóm tuổi từ 5-14.

Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở Việt Nam.Ảnh: Như Ý

Các chuyên gia nhận định, việc Việt Nam có đường bờ biển kéo dài, hệ thống sông, suối, ao, hồ chằng chịt, trong khi nhiều gia đình xây nhà sát nguồn nước mà không có rào chắn, thiếu sự giám sát của người lớn và không có lực lượng cứu hộ kịp thời đã làm tăng nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ em. Những nguyên nhân chính khác gây tử vong do tai nạn thương tích trẻ em là tai nạn giao thông đường bộ, ngộ độc và ngã.

Thiếu kinh phí phòng chống tai nạn thương tích
Ước tính, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 30.000 tỷ đồng chi phí cho các dịch vụ cấp cứu, điều trị và phục hồi chức năng, bệnh tật và tử vong do tai nạn thương tích gây ra. Bà Trần Thị Ngọc Lan, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), cho biết, thách thức của Việt Nam hiện nay là tình hình tai nạn thương tích trẻ em vẫn gia tăng ở tất cả các loại hình, trong khi nhận thức của các cấp và cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em lại hạn chế, cán bộ địa phương thiếu kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu và phòng chống tai nạn thương tích. Ngay tại thủ đô Hà Nội cũng chỉ có 4% trường hợp tai nạn thương tích được chăm sóc sơ cứu đúng cách trước khi chuyển đến bệnh viện.

Ông Vũ Quang Họa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ, ở địa phương các cán bộ tuyên truyền chỉ được hưởng một khoản phụ cấp là 50.000 đồng/tháng trong khi nhiệm vụ của họ là đến tận nhà hướng dẫn người dân phòng tránh tai nạn thương tích. Số tiền quá ít ỏi nên tần suất tuyên truyền tại nhà không hiệu quả, nhiều người chỉ làm một thời gian rồi bỏ.

Nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đàm Hữu Đắc cho rằng: Đã có rất nhiều chương trình đề ra kế hoạch phòng chống tại nạn thương tích trẻ em rất hoành tráng, đồ sộ nhưng nguồn kinh phí thực hiện lại không xác đáng, rõ ràng. Việc điều phối các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cần nằm dưới một cơ quan do Chính phủ chỉ định như Ban chỉ đạo quốc gia liên ngành phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, nhằm huy động được đủ nguồn kinh phí và đưa ra những kế hoạch mang tính tổng thể để triển khai được đồng bộ, hiệu quả từ trung ương đến địa phương.

Theo Báo Đất Việt