Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm thế nào biết trẻ bị sốt xuất huyết ?


Năm nay, dù đang ở thời điểm mùa khô nhưng bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn ra đều đặn và có chiều hướng gia tăng. Hiện tại, khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện nhi đồng I (TP.HCM) có 49 bệnh nhi mắc bệnh SXH đang điều trị, trong đó có 22 trẻ bệnh ở mức độ nặng (độ III). Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM đã có hơn 1.200 người mắc bệnh SXH.

Trước hiện tượng này, bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM) cho biết:

- Đặc trưng của bệnh SXH là xảy ra nhiều vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm), khi mật độ lăng quăng, muỗi tăng cao. Tuy nhiên, hiện "quy luật" đó đã bị phá vỡ. Do có sự thay đổi về cơ cấu bệnh tật, do môi trường... bệnh SXH có thể diễn ra rải rác quanh năm, kể cả mùa khô. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh SXH tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chuyển đến. Ngoài ra, hiện nay còn có sự thay đổi nữa là bệnh SXH không chỉ "tập trung" ở trẻ em mà nguời lớn mắc phải cũng rất nhiều. TP.HCM là một trong những địa phương có số người mắc bệnh SXH cao do mật độ lăng quăng, muỗi cao, trong đó có nguyên nhân do các công trình xây dựng dở dang, gây ứ đọng nước, tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển...

* Những biểu hiện để nhận biết và phòng bệnh SXH?

- Bác sĩ Phan Văn Nghiệm: Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị SXH đó là: trẻ sốt cao, sốt liên tục 2 - 3 ngày, uống thuốc hạ sốt vài giờ sau vẫn bị sốt trở lại, trẻ vật vã, bứt rứt, đau đầu, đau bụng, xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, có thể nôn ói ra máu... Đặc biệt, cần lưu ý, trong những ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau khi mắc bệnh, trẻ thường hết sốt, người lớn nhầm tưởng bệnh đã lui, nhưng lúc này dễ xảy ra nguy kịch cho trẻ (sốc, trụy mạch dẫn đến tử vong). Tay, chân lạnh là dấu hiệu để nhận biết trước khi trẻ bị sốc. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh SXH mà chỉ điều trị triệu chứng, biến chứng.

Đối với bệnh SXH (bệnh do muỗi đốt gây nên), việc phòng bệnh là rất quan trọng. Nếu người dân ý thức tốt việc phòng bệnh, không để lăng quăng, muỗi có "đất" sống thì sẽ tránh được bệnh. Cần dọn dẹp môi trường chung quanh, lưu ý các chậu hoa, bình, lu, bể... là điều kiện phát sinh lăng quăng, muỗi. Những nơi có nhiều muỗi cần cho trẻ ngủ mùng, kể cả ban ngày. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, nhất là sốt cao cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, không để trẻ sốt cao lâu, co giật gây tác hại cho trẻ...
 
Thanh Niên