Suy dinh dưỡng vì ăn nhiều cháo dinh dưỡng Kiểm tra hàm lượng trong cháo dinh dưỡng, các nhà khoa học phát hiện có sự xuất hiện của chất bảo quản natri benzoat. Hoá chất này có tác dụng làm sản phẩm lưu giữ được, không gây chua, tạo nên độ dẻo, sánh,... cho cháo nhưng cực kỳ độc hại cho cơ thể trẻ nhỏ khi ăn thường xuyên. Cháo dinh dưỡng hiện phát triển tự phát khắp nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm nghiệm Khoảng 2 năm trở lại đây, ngay từ khi ra mắt trên thị trường, sản phẩm cháo dinh dưỡng với đặc điểm rẻ, tiện lợi được chế biến sẵn đã nhanh chóng được người dân đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ rất ưa chuộng. Hiện mặt hàng thực phẩm này đã có mặt ở hầu hết các khu vực chợ, trường học, khu dân cư, thậm chí bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng qua kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh cho thấy dù là sản phẩm có thương hiệu được trình bày trong bao bì bắt mắt có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hay dạng nấu sẵn đựng trong thùng giữ ẩm đều không đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Theo các nhà chuyên môn cho biết tại Hội nghị Khoa học y tế công cộng ngày 25/6 thì từ "cháo dinh dưỡng" mà các cơ sở cung cấp đang dùng "quảng bá" cho mặt hàng này hiện nay còn đang gây "ngộ nhận" cho người tiêu dùng (NTD) vì thực sự chất lượng bên trong hoàn toàn... thiếu hụt dinh dưỡng, mất cân đối về dinh dưỡng. Thiếu hụt năng lượng, nhiễm vi sinh trầm trọng là một trong cảnh báo đầu tiên về sản phẩm này từ các nhà chuyên môn. Th.S - BS Huỳnh Văn Tú - Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh trực tiếp giám sát các mẫu cho hay, trong 49 mẫu sản phẩm cháo dinh dưỡng (gồm nhiều loại: cháo dinh dưỡng tôm, bò, heo, cua, ếch, gà, cháo lươn...) được lấy ngẫu nhiên tại các khu vực có nhiều đại lý và cửa hàng bày bán sản phẩm này như: quận 3, 6, 8, 11, Thủ Đức, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú đã phát hiện 46 mẫu (chiếm 93%) không đạt cả 9 chỉ tiêu lý hóa và vi sinh cơ bản, 81,6% mẫu không đạt các chỉ tiêu chất lượng về lý hóa, 42,9% không đạt chỉ tiêu vi sinh. Đặc biệt có 26% số mẫu nhiễm E.coli. Ngoài ra, xét về mặt năng lượng cung cấp cho cơ thể cần thiết dành cho trẻ nhỏ (1-3 tuổi) thì 50% số các mẫu qua kiểm nghiệm không đạt về lượng protid qui định. Đáng chú ý 95% số mẫu của loại cháo dinh dưỡng bán lẻ, không có bao gói bị vấy nhiễm vi sinh. Tất cả các mẫu cháo dinh dưỡng được kiểm nghiệm phát hiện 26% mẫu không đạt tiêu chuẩn về Coliform, E.coli, 6,1% mẫu không đạt về Staphylococus và 42,9% tổng số mẫu không đạt cả 5 chỉ tiêu: E.coli, Staphylococus aureus, Samonella (gây bệnh thương hàn); Coliform (vi khuẩn đường ruột) và Staphylococus. Trong đó có thể do ô nhiễm trong quá trình sản xuất, vật chứa đựng là các thùng xốp không đảm bảo vệ sinh và không loại trừ từ bàn tay người bán hàng vấy nhiễm sang hoặc môi trường xung quanh nơi bán không đảm bảo. Theo BS Tú, những kết quả kiểm nghiệm thực tế trên đây cho thấy mặt hàng thực phẩm này chưa được coi là thực phẩm đảm bảo an toàn để các bậc phụ huynh cho trẻ dùng hàng ngày. Nếu có sử dụng, theo BS Tú, phải luôn luôn bổ sung thành phần dinh dưỡng nhất là lipid và protid để đảm bảo cho trẻ không bị suy dinh dưỡng. Và trên đây chỉ là một số ít mẫu được thực hiện tại viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, lấy "điểm" ở một số đại lý lớn, nơi bán lẻ nhưng với số lượng bán nhiều và thường xuyên, chưa thể làm rộng hơn ở những nơi bán ít, lẻ tẻ trong các hẻm nhỏ. Rất cần được kiểm nghiệm ở những labor khác khẳng định thêm chất lượng cảnh báo kịp thời tới NTD. Được biết, trước đó trong năm 2009, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Cục VSATTP thực hiện lấy mẫu phân tích kiểm tra hàm lượng trong cháo dinh dưỡng và phát hiện có sự xuất hiện của chất bảo quản natri benzoat là một chất có tác dụng diệt khuẩn và nấm mốc. Hoá chất này có tác dụng làm sản phẩm lưu giữ được, không gây chua, tạo nên độ dẻo, sánh,... cho cháo nhưng cực kỳ độc hại cho cơ thể trẻ nhỏ khi ăn phải và ăn thường xuyên, lâu dài. Bởi cơ thể trẻ nhỏ vốn rất nhạy cảm. Chưa kể việc cho hóa chất vào cháo rất có thể khiến cơ thể người ăn nhất là ở trẻ em bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, lâu ngày bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển. Có mặt tại hội nghị trên, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh còn cho biết, việc sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa hóa chất trong thời gian dài nhất là ở cơ thể trẻ em còn đang trong giai đoạn phát triển còn có nguy cơ dẫn tới các bệnh như yếu gan, yếu thận... Theo CAND |