Chạy trường… tăng tốc: Kỳ cuối: Thuốc nào chữa căn bệnh này?
Cô Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 thừa nhận là rất vui khi có nhiều phụ huynh "chạy" vào trường mình. "Được phụ huynh tín nhiệm, điều đó chứng tỏ chất lượng giáo dục Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tốt. Nhưng phải biết từ chối khéo với những trường hợp trái tuyến", cô Điệp nói. Cương quyết với trái tuyến Tại Q.10, 3 trường tiểu học được phụ huynh "chạy" nhiều là Dương Minh Châu, Thiên Hộ Dương và Võ Trường Toản. Để hạn chế "chạy trường", năm 2010, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo những trường này ưu tiên nhận hết số trẻ có hộ khẩu hoặc KT3 cùng cha mẹ trên địa bàn được phân tuyến. Riêng số học sinh nhập khẩu thường trú, KT3 khác chỉ nhận khi còn chỗ, nếu không Phòng GD-ĐT sẽ bố trí học ở các trường khác. Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho biết: "Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm nay, những trường hợp học sinh có hộ khẩu tập thể hoặc mới chuyển khẩu, tạm trú KT3 tại Q.5 kể từ tháng 1-2010, Ban chỉ đạo tuyển sinh sẽ xem xét phân bố trường học tùy tình hình cụ thể". Các quận làm cương quyết như vậy nên có nhiều trường hợp phụ huynh "chạy" cho con vào Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1 nhưng lại học tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị, Q.1; "chạy" vào Trường Minh Đạo, Q.5 thì học ở Trường Chính Nghĩa, Q.5. "Chạy" trường "điểm" mà phải học trường "làng" thì dần dần phụ huynh cũng sẽ nản.... "Xóa" khoảng cách giữa các trường Nhưng vấn đề phụ huynh quan tâm bây giờ không phải là con mình đạt học lực khá giỏi, hay đậu tốt nghiệp mà là môi trường học tập. Ở đấy, con cái họ không chỉ được học chữ mà còn phải được phát triển toàn diện. Và ở đấy, học sinh tha hồ được thể hiện tính sáng tạo, được vui chơi, giao tiếp với nhiều người - thậm chí cả người nước ngoài. Ở TP.HCM được mấy trường như thế này? Không nhiều và thường chỉ tập trung ở một số quận trung tâm. Tại sao các quận này làm được mà những quận, huyện còn lại không làm được? Phải chăng lãnh đạo chính quyền không quan tâm hay phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường ở những địa bàn này quá kém??? Thực ra ngành GD-ĐT đã làm hết sức mình. Từ việc nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên, cải cách phương pháp dạy học đến việc tạo điều kiện cho hiệu trưởng được tự chủ trong các hoạt động của trường. Thế nên chất lượng giáo dục thành phố mới đạt được nhiều thành tích như ngày hôm nay... Vấn đề còn lại là của UBND các quận, huyện. Quận, huyện nào lãnh đạo quan tâm đến giáo dục thì ở đó giáo dục phát triển mạnh, trường lớp khang trang. Ngược lại, lãnh đạo quận, huyện nào ít quan tâm và đẩy hết trách nhiệm cho phòng GD-ĐT thì ở đó có nhiều phụ huynh phải "chạy trường" sang quận khác. Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, kinh phí đầu tư hàng năm cho giáo dục không giảm nhưng cũng chỉ đủ trả lương cho giáo viên. Muốn tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh cũng khó. Mà vận động phụ huynh hỗ trợ thì lại bị lên án là "lạm thu"... Từ thực tế trên cho thấy, "thuốc" đặc trị cho "chạy trường" chính là sự đầu tư công bằng cho giáo dục. Bên cạnh đó, theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP những trường chất lượng cao được quyền thu học phí tương xứng, vậy phụ huynh nào có điều kiện thì nộp đơn cho con học ở đây. Không có sự cào bằng trong học phí giữa trường "điểm" và trường "làng" thì không còn "chạy trường"... Theo Báo Giáo Dục |