Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đỏ mắt tìm sân chơi an toàn cho trẻ


Sân chơi an toàn cho trẻ hiện đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh, nhất là trong dịp hè. Và đây cũng là trăn trở của ban quản lý các công viên, nơi lý ra sẽ là chỗ vui chơi của trẻ. Hiện nay, một số khu vui chơi do hộ gia đình kinh doanh, chưa được đầu tư, giám sát an toàn đúng mức, rất đáng lo ngại.

Xếp hàng chờ chơi
Hiện nay, chỉ một số ít công viên (CV) tại TP.HCM có khu vui chơi cho trẻ em. Những khu trò chơi miễn phí như CV Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) cũng chỉ có vài chiếc đu quay, cầu trượt nhàm chán. Riêng CV Tao Đàn (Q.1), được một đơn vị tài trợ đầu tư khu vui chơi với mục đích vừa tạo sân chơi cho trẻ vừa quảng cáo sản phẩm. Có hơn năm trò chơi tại đây, nhưng cũng chỉ là cầu trượt, đu quay, vòng xoay... Do đã lâu ngày, nên phần cát (đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường hợp ngã) rất bẩn, lẫn lộn với rác.

Tại CV Dạ Nam (Q.8), dù chỉ có mấy trò chơi: bập bênh, thú nhún, xe lửa mini... nhưng hằng ngày, các ông bố, bà mẹ vẫn phải bồng con xếp hàng chờ đến lượt vào chơi. Anh Hùng (ngụ đường Phạm Thế Hiển, Q.8), thở dài: "Có mỗi một sân chơi này nên nhà nào cũng đưa con đến đây, chờ cả nửa giờ mà chưa tới lượt. Nhiều khi tới 11 giờ đêm, vẫn còn trẻ chơi".

Nhu cầu vui chơi của trẻ rất lớn, nhưng hiện nay có rất ít sân chơi miễn phí cho trẻ

Quận Gò Vấp có được khu vui chơi cho trẻ ở CV Gia Định. Đơn vị này cho tư nhân thuê mặt bằng mở ba khu vui chơi thu phí với nhiều trò chơi: xe lửa, nhà banh, lâu đài hơi, câu cá, tàu lượn... Dù giá phí các trò chơi ở đây khá cao (từ 5.000đ - 15.000đ/trò) nhưng lượng phụ huynh đưa trẻ đến chơi rất đông, nhất là vào cuối tuần. Chị Kim Cương (ở P.17, Q.Gò Vấp) có con gái ba tuổi, cho biết: "Không đưa con đến đây chơi thì cũng chẳng biết khu vui chơi nào khác. Tôi muốn tìm nhiều sân chơi khác nhau để con khám phá nhưng sao hiếm sân chơi quá". Đã vậy, sắp tới, ngay cả sân chơi này cũng sẽ "biến mất" vì ban quản lý (BQL) CV hiện đang giải tỏa khu vui chơi để mở rộng, chỉnh trang CV theo quy hoạch. Theo BQL CV Gia Định, từ nay đến tháng 10/2010 sẽ hoàn tất việc chỉnh trang CV nhưng việc có mở lại khu trò chơi cho trẻ hay không thì... chưa biết!

Chơi trong... sợ hãi
Điều dễ nhận thấy là ở những khu vui chơi miễn phí thì các trò chơi đơn điệu, không hấp dẫn trẻ, còn những khu vui chơi tư nhân kinh doanh có thêm một số trò chơi sinh động, hấp dẫn thì lại thu phí quá cao. Từ đó, không ít hộ gia đình đã tranh thủ mặt bằng tại nhà để kinh doanh trò chơi cho trẻ, thu phí "mềm". Tuy nhiên, liệu những trò chơi này có được kiểm tra độ an toàn? Nếu hộ kinh doanh lơ là việc kiểm tra, bảo dưỡng, thì sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mới đây, chúng tôi đến khu căn cứ 26A (Trương Minh Giảng, P.17, Q.Gò Vấp), đếm sơ chỉ hai con hẻm nhỏ đã có đến ba hộ kinh doanh trò chơi cho trẻ. Ngoài trò chơi phổ biến là thú nhún, chúng tôi sửng sốt khi có hộ trang bị cả đường ray xe lửa cho các bé chơi. Tại hẻm G, một hộ vừa kinh doanh tạp hóa, nước giải khát vừa mở trò chơi xe lửa, thú nhún cho trẻ với giá 2.000đ - 5.000đ/lượt. Đáng lo là, những con thú nhún, toa tàu lửa quá cũ kỹ, loang màu; đường ray, bánh xe gỉ sét, các mắc nối lỏng lẻo, có thể rơi ra bất cứ lúc nào.

Ngay cả khu vui chơi ở CV, độ an toàn các trò chơi cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ở CV Tao Đàn, chúng tôi thực sự lo ngại khi nhìn cảnh các bé vẫn vô tư chơi trò xích đu khi một bên dây xích đu đã đứt; một số thanh rào chắn trên cầu tuột được kết lại bằng dây thép; một số phương tiện bị mất ốc vít, vô cùng nguy hiểm.

Tại một khu đất trống dưới chân cầu Kênh Tẻ (Q.4) thỉnh thoảng có các đoàn phục vụ trò chơi di động đến tổ chức sân chơi cho trẻ trong vài tuần rồi đi. Điều đáng nói, hầu hết các trò chơi của họ đều đã cũ kỹ, gỉ sét nhưng do cầu nhiều hơn cung, nên lúc nào cũng thu hút đông đảo "thượng đế nhí".

Theo BS Bạch Văn Cam - Cố vấn khối Hồi sức cấp cứu (BV Nhi Đồng I TP.HCM), các khu vui chơi công cộng cần có sự giám sát máy móc thường xuyên của cơ quan giám định để phòng ngừa rò rỉ điện, khả năng chịu lực, trang bị dây thắt lưng an toàn... Nếu những trò chơi công cộng không được kiểm soát chặt chẽ có thể gây trầy xước, tai nạn cho trẻ.

Trách nhiệm của ai?
Trong khi nhiều phụ huynh vừa cho con chơi vừa hồi hộp thì "trái bóng" trách nhiệm vẫn chưa biết thuộc đơn vị nào. Ông Vũ Công Thuần, Giám đốc CV Gia Định, cho rằng: "Việc kiểm tra độ an toàn của các trò chơi cần có cơ quan chuyên môn thẩm định chứ chúng tôi không thể đánh giá được".

Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty CV và cây xanh TP.HCM, nhìn nhận: "Hiện số CV có đầu tư khu vực vui chơi, giải trí dành cho trẻ rất ít. Tính chất của CV là phải phục vụ cộng đồng miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có CV Tao Đàn có khu vui chơi miễn phí dành cho trẻ nhưng các trò chơi ở đây đang "teo" dần do đơn vị tài trợ không thường xuyên bảo trì, sửa chữa khi trò chơi hư hỏng, dù công ty đã đã gửi văn bản thông báo. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, BQL CV buộc phải dẹp các trò chơi đã hư hỏng".

Các CV còn lại phần lớn đều cho tư nhân thuê kinh doanh. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải, Sở này đang tiến hành rút dần giấy phép các đơn vị kinh doanh trong CV, vì họ không phục vụ nhiều cho lợi ích cộng đồng mà chỉ nhằm mục đích kinh doanh. Do nhu cầu của người dân lớn nên các đơn vị này thường thu giá vé trò chơi khá cao, đơn vị quản lý lại không có quyền can thiệp.

Theo BQL các CV, để tạo được sân chơi lành mạnh cho trẻ, cần phải quy hoạch địa điểm vui chơi phù hợp với từng lứa tuổi. Còn như hiện nay thì rất lộn xộn, CV chỉ mới tạo được môi trường xanh chứ chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu giải trí, vui chơi của trẻ em. Bên cạnh đó, tình trạng hàng rong lấn chiếm bán buôn, xe đậu bừa bãi... khiến sân chơi cho trẻ bị thu hẹp.

Ông Hà cho biết: "CV của nhiều nước trên thế giới mang tính chất phục vụ cộng đồng rất cao. CV không chỉ là "lá phổi" cho cộng đồng mà còn là nơi phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Việc đầu tư một phần diện tích trong CV làm sân chơi phục vụ miễn phí cho trẻ em là cần thiết, nhưng hiện nay, các CV chưa thể đáp ứng yêu cầu này vì chưa có quy hoạch cụ thể".

Các bà mẹ cần cho trẻ chơi các trò chơi đúng theo độ tuổi để đảm bảo độ an toàn cho trẻ. Với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, không nên cho trẻ chơi các trò mạo hiểm vì trẻ khóc điếng người, sợ hãi khóc thét có thể gây ra ngưng thở, dẫn đến đột tử. Trẻ động kinh có thể lên cơn co giật khi chơi những trò cảm giác quá mạnh. Riêng những trẻ mới chập chững biết đi, người lớn phải giám sát, nâng đỡ trẻ khi chơi. Những trò chơi mạo hiểm, cảm giác mạnh dễ khiến trẻ nhỏ bị hội chứng rung lắc dẫn đến chóng mặt, thậm chí chấn động não. Mục đích của trò chơi là giúp trẻ vui chơi thoải mái, vì vậy không nên ép trẻ chơi khiến trẻ bị stress nặng trong một thời gian dài và nỗi ám ảnh này làm trẻ giật mình, đái dầm khi ngủ.

BS Bạch Văn Cam
(Cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng I TP.HCM)

Theo PN