Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định chưa có cơ sở sản xuất nào đến nhờ tư vấn và kiểm nghiệm hàm lượng dinh dưỡng. Trong khi đó, cơ quan y tế thừa nhận chưa quản lý được vấn đề ATVSTP. Còn các chuyên gia cảnh báo tình trạng các cơ sở sản xuất dùng chất bảo quản không được phép. Suy dinh dưỡng vì ăn cháo dinh dưỡng! Tiến sĩ Khanh nhận xét: "các cơ sở cháo dinh dưỡng nhỏ lẻ, đặc biệt là cháo... xe đẩy thì tôi dám chắc hàm lượng protid thấp hơn so với tiêu chuẩn dành cho bé mà Viện Dinh dưỡng đã khuyến cáo". Thực tế, có không ít trẻ ăn cháo dinh dưỡng trong thời gian dài đã xuất hiện dấu hiệu suy dinh dưỡng, có bé còn ngày càng tỏ ra biếng ăn. Tại bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận trường hợp trẻ sau khi ăn cháo bán sẵn phải nhập viện trong tình trạng ói mửa, tiêu chảy... Cháo dinh dưỡng được bán trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, trong số các bà mẹ đến xin tư vấn về sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng cho con thì có đến 2/3 nguyên nhân là do các bà mẹ ngại chế biến thức ăn cho trẻ nên mua cháo dinh dưỡng vừa nhanh, lại rẻ. Và tình trạng này kéo dài dẫn đến việc con cái họ càng biếng ăn, chậm lớn, thể trạng phát triển không cân đối. Các bà mẹ cần tuân thủ nguyên tắc "chế biến và ăn ngay" sẽ giúp thể trạng của trẻ dần thích ứng tốt với các loại thức ăn, tạo điều kiện tiêu hóa hấp thu tốt nhất các chất dinh dưỡng qua bữa ăn và vì thế trẻ lớn lên đều, luôn khỏe mạnh. BS. chuyên khoa II Trần Thị Nga, nguyên Trưởng Khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em trong độ tuổi ăn dặm (từ 6 đến 24 tháng tuổi) đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nếu bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất về sau. Nếu cho trẻ thường xuyên ăn cháo dinh dưỡng bán sẵn rất rễ bị suy dinh dưỡng. Tốt nhất các bà mẹ nên tự nấu cháo cho trẻ để bảo đảm thực sự đủ chất. BS. Nga khuyến cáo, trẻ ăn cháo không đảm bảo vệ sinh, nếu ngộ độc nặng, trẻ bị sốt, mất nước, không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Đem thắc mắc về chất lượng cháo dinh dưỡng trên thị trường hiện nay đến cơ quan quản lý về VSATTP (Bộ Y tế) thì PV nhận được câu trả lời: đa phần cháo dinh dưỡng nấu sẵn có nhiều vấn đề đáng lo ngại về dinh dưỡng cũng như về điều kiện VSATTP, nhưng chưa thể quản lý và kiểm soát thực sự có hiệu quả. Đại diện Cục ATVSTP cho biết, trong quy trình cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm một cơ sở cháo dinh dưỡng đều có quá trình lấy mẫu xét nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, việc lấy mẫu do doanh nghiệp tự lấy, gửi xét nghiệm. Vì thế nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp đã công bố. Khi các cơ quan thanh tra lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng kết quả không đúng với các chỉ tiêu đã công bố thì sẽ căn cứ theo quy định để xử phạt. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có một số công ty lớn đăng ký sản xuất và kinh doanh cháo dinh dưỡng. Còn những nơi sản xuất, bán cháo dinh dưỡng nhỏ lẻ, tự phát được xếp vào dạng thức ăn đường phố, các quận, huyện quản lý, kiểm tra. Ẩn họa phụ gia thực phẩm Từ thông tin về chất natri benzoat, chúng tôi tìm đến một số chuyên gia ngành hoá thực phẩm để tìm hiểu về một số loại hoá chất. Các chuyên gia cảnh báo, trên thị trường còn có một số loại hóa chất như sodium benzoate và potassium sorbate (chất giúp cháo lâu bị chua), hoá chất Xanthan Gum (chất tạo sánh) được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Giá của những loại hoá chất này khoảng 65.000- 80.000đồng/kg. Thông thường những hoá chất này được sử dụng theo tỷ lệ: 1g hóa chất /kg thực phẩm. Tuy nhiên, những cơ sở sản xuất trong điều kiện vệ sinh kém có thể tăng liều lượng hóa chất này để cháo lâu chua hơn. Khi dùng hóa chất tạo sánh, các cơ sở chế biến giảm được một lượng nguyên liệu đáng kể trong khi giá bán vẫn không đổi. Theo tìm hiểu của PV, quyết định 3742/BYT của Bộ Y tế quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm thì hóa chất natri benzoat (giúp thực phẩm lâu bị ôi, thiu - PV) được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong 15 nhóm thực phẩm. Tuy nhiên, cháo dinh dưỡng không nằm trong nhóm thực phẩm được cho phép sử dụng chất này. Theo Đời sống pháp luật |