Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường sư phạm: Đầu vào ít, đầu ra kém?


Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2010, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm, khoa sư phạm giảm mạnh, làm sống lại thực tế "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Một số trường phải thay đổi quy trình, phương thức đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Ông Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhớ lại, năm 1998 là thời kỳ hoàng kim của ngành sư phạm, khi có ngành lấy điểm trúng tuyển là 29 điểm. Hiện nay, điểm trúng tuyển của nhiều trường sư phạm (SP) bằng điểm sàn.

Chính sách đào tạo không phù hợp thực tiễn khiến thí sinh không "mặn mà". Ảnh minh họa.

Tỷ lệ "chọi" không quan trọng
Năm nay, ĐH Sư phạm TP HCM nhận được 15.096 hồ sơ, giảm hơn 9.000 hồ sơ so với năm 2009. Nhiều ngành của trường có tỷ lệ "chọi" dưới 5, đặc biệt, một số ngành có số hồ sơ ít hơn chỉ tiêu: SP tiếng Pháp tỷ lệ chọi 1/0,9, SP song ngữ Nga - Anh tỷ lệ chọi 1/0,6. Theo Hiệu trưởng Bạch Văn Hợp, một số khoa tương đối đặc biệt (SP giáo dục đặc biệt, SP song ngữ Nga - Anh) nhiều năm nay có số hồ sơ đăng ký dự thi rất thấp vì nhu cầu nguồn nhân lực trong xã hội không cao.

Tuy nhiên, các trường SP "tốp trên" tỏ ra không mấy quan tâm đến tỷ lệ "chọi". Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng tỷ lệ "chọi" thấp vẫn khẳng định các em tha thiết với ngành đã chọn và quyết ôn tập tốt để đỗ. Ông Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng nhấn mạnh, tỷ lệ "chọi" thấp chưa hẳn đánh giá được chất lượng thí sinh, vì nhiều em chọn ngành kỹ và có trách nhiệm, chứ không chạy theo phong trào.

Ở góc độ khác, ông Trương Hữu Đẳng, Phó hiệu trưởng CĐ Sư phạm Quảng Trị, cho rằng, số thí sinh đăng ký dự thi vào ngành SP thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh. Ở một số trường thuộc "tốp trên", đa số thí sinh đăng ký có học lực khá nên chất lượng không giảm, điểm trúng tuyển vẫn cao. Với những trường ở "tốp dưới", số thí sinh giảm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Điểm trúng tuyển vào ngành SP liên tục giảm nhiều năm nay. Với ĐH Sư phạm TP HCM, điểm chuẩn ngành SP giảm dần trong ba năm gần đây, như sư phạm toán học: 22,5 - 20,5 - 21, sư phạm vật lý: 22 - 16,5 - 18,5... Nhiều trường SP phải tuyển cả nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mới đủ chỉ tiêu.

Thay đổi quy trình đào tạo
Ông Lê Hùng Phi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, cho biết, mấy năm nay số thí sinh thi vào ngành SP của trường đều thấp nên trường phải thay đổi quy trình đào tạo. Với ngành SP kỹ thuật, nhà trường đào tạo kỹ thuật công nghệ trước, sau đó chọn một số SV là kỹ sư có đủ năng lực và năng khiếu sư phạm để đào tạo trong 6 tháng để trở thành giáo viên SP kỹ thuật.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ông Trần Trung, nói rằng, hai năm gần đây trường cũng thay đổi quy trình đào tạo, vừa cấp bằng kỹ sư công nghệ và chứng chỉ SP là cách thuận tiện nhất cho SV. Phương thức này nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như chuẩn đầu ra về kiến thức SP và chuyên môn. Thống kê của nhà trường cho thấy, ba tháng sau khi tốt nghiệp, 80% SV có việc làm. Khi đi thực tập, các em có xe đưa đón, được bao ăn ở và trả phí 40.000-50.000 đồng một ngày. 100% SV tốt nghiệp có chứng chỉ SP được tuyển vào làm giáo viên các trường nghề.

Tuy nhiên, điều lãnh đạo các trường SP lo lắng nhất là chính sách đào tạo SP không phù hợp với thực tế: miễn giảm học phí cho SV nhưng lại không có đầu ra, thu nhập giáo viên quá thấp so với các ngành khác như kinh tế - tài chính, công nghệ thông tin... Các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp có nhu cầu giáo viên ngành SP kỹ thuật công nghiệp ngày càng ít.

Theo Báo Đất Việt