Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường tư thục, dân lập không được thi tuyển đầu vào lớp 1


 
ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT
"Tất cả các cháu đến độ tuổi đi học đều có quyền vào học lớp 1. Sở đã chỉ đạo các trường tiểu học không kiểm tra đánh giá các em viết chữ trước khi vào học lớp 1", ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định.

- Sở có chỉ đạo và quản lý thế nào về tuyển sinh vào lớp 1 trong năm học tới?
- Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo việc tuyển sinh vào lớp 1 của các trường tiểu học. Trước tiên, các trường phải rà soát học sinh trong độ tuổi địa bàn phường, tuyển hết học sinh đúng tuyến, sau đó còn chỉ tiêu các trường có thể nhận học sinh trái tuyến. Tuy nhiên, muốn nhận học sinh trái tuyến, các trường phải thành lập hội đồng tuyển sinh. Đặc biêt, một số quận quận huyện ngoại thành khó khăn phải thành lập ban chỉ đạo tuyển sinh. Ban chỉ đạo trực tiếp xem xét và phê duyệt chỉ tiêu học sinh trái tuyến.

- Sở có ý kiến gì về việc một số trường mầm non và giáo viên tổ chức dạy chữ cho học sinh trước khi vào lớp 1?
- Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các trường mầm non không được dạy chữ cho học sinh trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, một số cha mẹ học sinh có nhu cầu cho con học trước với hy vọng các con học tốt hơn khi vào lớp 1 nên đã tạo điều kiện cho một số lớp học hình thành. Quan điểm của Sở là không khuyến khích việc này.

- Một số trường tiểu học tư thục, nhất là các trường mang mác quốc tế có tổ chức tuyển sinh đầu vào khiến cho việc dạy trước, học trước càng phổ biến. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tất cả các cháu đến độ tuổi đi học đều có quyền vào học lớp 1. Do đó, Sở đã chỉ đạo các trường tiểu học không kiểm tra đánh giá các em viết chữ trước khi vào học lớp 1. Việc kiểm tra học sinh trước khi tuyển của một số trường dân lập như: Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu... là kiểm tra năng khiếu chứ không phải kiểm tra sự hiểu biết hay viết chữ. Các trường này có những lớp học ngoại ngữ, âm nhạc, nên để tuyển được những học sinh có năng khiếu, trường tổ chức kiểm tra khả năng phát âm ngoại ngữ, âm nhạc, trí nhớ, sự thông minh của các em.

- Như ông nói, năm nào Sở cũng có văn bản chỉ đạo nhưng dường như các trường vẫn làm trái hướng dẫn. Phải chăng văn bản của Sở chưa có hiệu quả?
- Sở ra văn bản cho các quận, huyện trực tiếp làm. Vấn đề chủ yếu đặt ra là tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, khi xảy ra thì phải có biện pháp xử lý kịp thời.

Với các trường công lập khi sai phạm, Sở có thể yêu cầu dừng hoặc có hình thức kỷ luật. Còn đối với các trường tư thục, dân lập, những trường này dạy nhu cầu của cha mẹ học sinh, theo thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường. Các trường có quyền tự chủ về tài chính, các hoạt động về biên chế, thậm chí tự chủ một phần về chương trình học, chương trình tuyển sinh. Vì thế, mới có sự khác biệt trong tuyển sinh giữa các trường dân lập và công lập. Với Các trường công lập, Sở phân tuyến tuyển sinh nhưng các trường tư thục không phân tuyến, các trường được quyền tuyển sinh đầu vào.

Quan điểm của Sở là tạo sự bình đẳng cho các trường. Tuy nhiên, trường tư thục không vì thế mà tự do trong tất cả các việc, Chúng tôi yêu cầu các trường này phải tuân thủ các quy định chung so với trường công lập.

- Sắp đến năm học mới, Sở sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng lạm thu xảy ra ở những năm học trước?
- Trong nhà trường có những khoản thu theo quy định, khoản thu tự nguyện. Điều lệ của cha mẹ học sinh đã quy định rất rõ, quỹ phụ huynh là nguồn thu do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp, vấn đề là làm thế nào để cha mẹ thực sự tự nguyện.

Năm học tới, chúng tôi sẽ tập trung cha mẹ học sinh để bàn các biện pháp chống tiêu cực, nâng cao chất lượng đào tạo.

- Nhiều trường tổ chức các cuộc họp, sau đó thống nhất các khoản thu với phụ huynh. Theo ông, các trường có được phép làm vậy không?
- Nếu như không biết có nhu cầu gì thì phụ huynh làm sao có thể quyên góp để ủng hộ. Trong các cuộc họp, nhà trường có thể đưa ra các đề xuất, do ngân sách nhà nước hạn chế mà còn cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, muốn đi tắt đón đầu, muốn điều kiện cao hơn thì cần phải đầu tư thêm một chút cơ sở vật chất, vậy để cha mẹ học sinh xem xét.

Trên cơ sở đó, cha mẹ học sinh thấy nhà trường khó khăn thật thì sẵn sàng ủng hộ. Quan trọng nhất là làm thế nào để cha mẹ học sinh tự nguyện một cách thực chất, không ai có quyền ép phụ huynh học sinh phải đóng tiền. Cha mẹ nào cảm thấy không hợp lý thì đề xuất do điều kiện gia đình khó khăn nên tôi không đóng khoản này hoặc khoản thu này không hợp lý. Nhà trường phải sẵn sàng chấp nhận những việc như vậy.

Năm nay, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường thực hiện các khoản thu tự nguyện đúng như ý nghĩa của nó.

- Nếu có phụ huynh phản ánh, do họ không đóng các khoản tự nguyện mà bị giáo viên, nhà trường o ép thì Sở có xử lý như thế nào?
Việc phụ huynh không đóng tiền tự nguyện không ảnh hưởng gì đến việc học tập của các em. Nếu có đầy đủ bằng chứng giáo viên o ép, trù dập thì có đề xuất của nhà trường, Sở sẽ nghiêm khắc giải quyết. Sở chỉ đạo các hiệu trưởng tuyệt đối phải công khai minh bạch các khoản thu chi của trường kể khoản thu chi tự nguyện, truyền đạt thống nhất rõ ràng quan điểm với thầy cô giáo đứng lớp.

Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa tiếp nhận cũng như chưa xử lý một trường hợp nào như vậy. Mặc dù chúng tôi cũng nghe một số phụ huynh nói vấn đề này nhưng chưa trường nào có đề xuất giải quyết vấn đề này.

Xin cám ơn ông!

Theo Báo Đất Việt