Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giảm thiểu lao động trẻ em: Nỗi lo của người lớn


Sống cảnh tha phương, làm những việc nặng nhọc quá với lứa tuổi, sức khỏe, trong khi được trả công thấp kém, rẻ mạt... là tình trạng mà nhiều trẻ em đang phải chấp nhận.

Hình ảnh những đứa trẻ gầy gò, phải làm việc liên tục nhiều giờ liền trong điều kiện khắc nghiệt, tối tăm chật chội, không được chăm sóc khi đau ốm khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Ở khu vực thành thị, phổ biến trẻ em (TE) làm giúp việc gia đình, phụ việc ở nhà hàng, cửa hàng, bán hàng rong, thu lượm phế thải... Một số TE là nạn nhân bị bóc lột thậm tệ trong các mỏ vàng, khai thác gỗ, vận chuyển hàng hóa và một số công việc nguy hiểm khác... Không chỉ bị lạm dụng về sức khỏe, lao động trẻ em (LĐTE) còn bị lạm dụng về thời gian LĐ, bị đánh, mắng khi làm việc và tồi tệ hơn là xâm hại tình dục.

Có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng TE phải LĐ là do sự nghèo đói. Phải bươn chải từ nhỏ, cơ hội và khả năng tiếp cận của TE đối với hệ thống giáo dục và dạy nghề luôn bị hạn chế. Khi TE không được học, các em cũng bị tước bỏ cơ hội đào tạo nghề và tiếp tục chịu vòng luẩn quẩn: đói nghèo, thất học, thu nhập thấp.

Cách đây không lâu, tại Hà Nội và nhiều thành phố khác đã có chiến dịch vận động trẻ lang thang đánh giày, bán vé số... về sống với gia đình, vận động chính quyền, cha mẹ đón các em về không cho trẻ em ra thành phố sống lang thang, nhưng chỉ thời gian ngắn trở về nhà thì những đứa trẻ này lại ra thành phố như trước vì chúng và cả gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn từ thu nhập ít ỏi ở nhà. Xem ra nếu chỉ xử phạt các chủ lao động, vận động các em trở về nhà, vận động cha mẹ không cho trẻ đi làm thuê... thì vẫn không thể chấm dứt được thực trạng này.

Năm nay, Ngày Thế giới chống LĐTE được ILO phát động vào ngày 12.6 có chủ đề: "Một bàn thắng- một mục tiêu: Xóa bỏ lao động trẻ em". Ngày thế giới chống LĐTE tại VN sẽ kết nối các hoạt động ở cấp quốc gia với các hoạt động trên toàn thế giới để đẩy mạnh cuộc vận động toàn cầu nhằm giải quyết nạn LĐTE.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, ông Nguyễn Thanh Hòa đã khẳng định: "Nhiều trẻ em đang phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm độc hại. Chiến dịch toàn cầu nhằm chấm dứt LĐTE này có ý nghĩa rất quan trọng và cần được hưởng ứng mạnh mẽ. Chúng tôi cam kết sẽ làm những gì tốt nhất có thể nhằm xóa bỏ những hình thức LĐTE".

Chúng ta đã tham gia Công ước về quyền trẻ em nên việc trẻ em bị bóc lột sức LĐ là việc cần giải quyết, nhưng giải quyết như thế nào để có hiệu quả thật sự và lâu dài là cái mà cả xã hội đang mong đợi. Cần có những kế hoạch hành động cụ thể, có chiều sâu, có tính thực tế có lẽ mới mong giải quyết tận gốc vấn đề nhức nhối này.

Theo VH