Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảo hiểm y tế: “Vỏ quýt dày” cần “móng tay nhọn”


Làm thủ tục cho người đến khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Gần 1 tháng nữa là tròn 1 năm Luật Bảo hiểm Y tế đi vào cuộc sống (1/7/2009-1/7/2010), nhưng đến nay vẫn còn khoảng 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Các trường hợp bị tai nạn giao thông vẫn đang chờ "cấp có thẩm quyền" xác nhận" không vi phạm pháp luật" để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. Đặc biệt, các cơ quan chức năng gặp khá nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật.

"Vướng mắc tồn tại trong tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế tập trung vào hai vấn đề chính, đó là công tác khám chữa bệnh và phát triển đối tượng tham gia," ông Phạm Lương Sơn, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định tại buổi giao ban quý 2/2010 giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, diễn ra ngày 5/6, tại Hà Nội.

Chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế mới
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, hiện nay, việc cấp thẻ, đổi thẻ Bảo hiểm y tế còn chậm trễ, sai sót về tên, giới tính, địa chỉ. Vẫn còn thẻ sai đối tượng (trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh người nghèo).

Thẻ khám chữa bệnh miễn phí không thu hồi nên một số trẻ em dưới 6 tuổi vẫn đi khám, chữa bệnh bằng cả 2 loại thẻ (thẻ khám, chữa bệnh miễn phí và thẻ bảo hiểm y tế), gây khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh trong công tác thống kê, thanh toán chi phí khám chữa bệnh của trẻ.

Giải thích về lý do chậm trễ trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, ông Phạm Lương Sơn nói: "Ước tính đến nay còn khoảng 2 triệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế đến hộ nghèo, cận nghèo cũng chưa đủ và kịp thời do cơ quan chức năng chưa chuyển danh sách các đối tượng sang cho cơ quan bảo hiểm. Thiếu căn cứ, cơ quan bảo hiểm xã hội đành áp dụng giải pháp là trẻ em có thể khám chữa bệnh bằng giấy khai sinh, bằng chứng nhận của Ủy ban Nhân dân xã."

Ngoài vấn đề về chậm cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, ông Sơn còn lo ngại về hiện tượng lập danh sách không đúng đối tượng tại một số địa phương. Đơn cử, có tỉnh lập danh sách hộ cấp thẻ bảo hiểm y tế người nghèo dựa trên quan điểm cứ bệnh nhân đái tháo đường, chạy thận nhân tạo là người nghèo và không thông qua bất kỳ chu trình bình xét nào.

Rắc rối tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế
"Trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc vẫn chưa kiểm soát được, đặc biệt là máy móc xã hội hóa," ông Phạm Lương Sơn cho hay.

Kết quả thanh, kiểm tra của ngành Bảo hiểm xã hội tại một số tỉnh, thành mới đây cho thấy, việc phê duyệt giá dịch vụ kỹ thuật tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa đúng quy trình, quy định.

Việc chỉ định sử dụng thuốc chưa hợp lý, nhất là thuốc hạn chế sử dụng có dấu (*), thuốc phải hội chẩn trước khi sử dụng. Phổ biến việc sử dụng thuốc kháng sinh và phối hợp nhiều loại kháng sinh phổ rộng thế hệ mới, đẩy giá thành điều trị lên cao nhưng kém hiệu quả, gây lãng phí. Một số cơ sở y tế thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao hơn giá quy định.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, đã có một số cơ sở y tế tại các tỉnh, thành có cán bộ bị truy tố về hành vi lập hồ sơ bệnh án khống để thanh toán Bảo hiểm y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy-Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm chuyên khoa Mắt Ninh Thuận, Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Nam-Bắc Giang...

Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần sớm có văn bản chỉ đạo các tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra tình trạng lạm dụng quỹ, thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm y tế. "Bộ Y tế cũng cần tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát chính sách trong công tác khám chữa bệnh, nhất là công tác xã hội hóa. Bởi lẽ, công tác xã hội hóa hiện còn thiếu một cơ chế kiểm soát hiệu quả," ông Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Trước vấn đề này, ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định: "Nếu các sở y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra chắc chắn sẽ phát hiện, hạn chế được những sai phạm trong vấn đề lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Về phía ngành bảo hiểm xã hội luôn "nhắc nhở" cán bộ phải "chặn" những biểu hiện bất hợp lý như cấp thuốc khống, một máy chỉ "chạy" 24 ca bệnh/ngày nhưng được kê lên là 40 ca bệnh/ngày..."

Ông Lê Bạch Hồng cũng đề xuất việc đấu thầu thuốc tập trung, để giảm giá bán thuốc; đồng thời, đề nghị liên bộ xem xét việc giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam thanh toán tiền thuốc cho các doanh nghiệp dược, tránh tình trạng các cơ sở y tế chậm thanh toán, ảnh hưởng tới giá thuốc.

Theo thống kê, tiền thuốc chiếm tới 50-60% chi phí khám chữa bệnh, nhưng lâu nay cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn phải bó tay trước việc quản lý giá thuốc tại các cơ sở y tế. Bởi vì, dù là cơ quan quản lý quỹ và chi trả chi phí thuốc, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam không có vai trò gì trong đấu thầu thuốc và cung ứng thuốc bảo hiểm y tế. Không thể biết được giá thuốc thực nhập của các bệnh viện, nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường thanh toán giá thuốc cao hơn giá thị trường dù cùng chủng loại, cùng thời điểm.

Như vậy, vẫn còn khá nhiều vướng mắc tồn tại sau gần 1 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm sớm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Có thế, người bệnh tham gia bảo hiểm y tế mới phần nào hài lòng về "chiến dịch" nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà ngành y tế phát động cách đây gần 1 năm nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam./.

Theo Vietnam+