Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bùng phát học sinh giỏi


Sau một năm học áp dụng quy định đánh giá mới, số học sinh tiểu học bỗng nhiên giỏi tăng cao đến mức sững sờ!

HS lớp 1/1 Trường tiểu học Hanh Thông, Gò Vấp, TP.HCM trong ngày nhận phần thưởng học sinh giỏi. Lớp có 43/46 học sinh đạt học sinh giỏi, ba em còn lại đạt học sinh tiên tiến - Ảnh: H.HG.

Dự lễ tổng kết năm học 2009-2010 tại một số trường tiểu học, chúng tôi bắt gặp hình ảnh quen thuộc: học sinh các lớp rồng rắn xếp hàng chờ lên sân khấu nhận phần thưởng. Thi thoảng có vài em phải ngồi tại chỗ buồn rầu. Hỏi chuyện mới biết "em chỉ đạt học sinh tiên tiến thôi".

Những hình ảnh này diễn ra ngay năm học đầu tiên áp dụng quy định mới về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT (theo thông tư 32). Hầu hết hiệu trưởng trường tiểu học mà chúng tôi đã gặp đều cho biết tỉ lệ học sinh giỏi năm học 2009-2010 cao hơn hẳn năm học trước (2008-2009).

Điển hình như Trường tiểu học Minh Đạo, Q.5 (TP.HCM) năm trước có hơn 80% học sinh giỏi thì năm nay tỉ lệ này lên đến 90,87%; Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 năm trước có hơn 60% học sinh giỏi, năm học này cũng nhảy vọt lên 80,95% học sinh giỏi; Trường tiểu học Hanh Thông, Q.Gò Vấp năm trước gần 80% thì năm nay có hơn 85% học sinh giỏi...

Lấy điểm một lần
Theo thông tư 32 về quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT (có hiệu lực thi hành từ ngày 11-12-2009), trong năm học giáo viên vẫn tiến hành chấm bài, cho học sinh làm kiểm tra định kỳ nhưng không lấy điểm để đánh giá học lực học sinh mà chỉ nhằm thu nhận thông tin để điều chỉnh quá trình dạy học; thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp động viên, giúp đỡ học sinh.

Chỉ riêng kỳ kiểm tra cuối năm mới lấy điểm để đánh giá học lực môn cả năm của học sinh.

100% học sinh giỏi
Thậm chí nhiều trường còn có những lớp đạt 100% học sinh giỏi như lớp 1/1 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5; khối 2 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1 (cả khối 1 của trường này chỉ có một học sinh tiên tiến, còn lại tất cả đạt học sinh giỏi); ở Trường tiểu học Minh Đạo, Q.5 có 8/10 lớp 1, 3/10 lớp 2, 1/11 lớp 5, 1/12 lớp 4 đạt học sinh giỏi...

Đặc biệt năm nay, tỉ lệ học sinh khối 5 đạt điểm tối đa hai môn toán, tiếng Việt (hai môn sẽ lấy điểm để xét tuyển vào lớp 6) ở TP.HCM đạt mức cao kỷ lục. Một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.1, TP.HCM thông tin: "Q.1 có hơn 700/4.000 học sinh lớp 5 đạt tối đa 20/20 điểm (môn toán và tiếng Việt), chưa kể tại nhiều trường tiểu học số học sinh giỏi cũng tăng cao. Tuy nhiên, trong số đó có bao nhiêu em thật sự giỏi thì không thể biết được.

Mặc dù Q.1 có tổ chức hội đồng chấm thi chung của toàn quận (đối với bài thi khối 5) nhưng thông tư 32 cho phép giáo viên được quyền làm tròn điểm trong bài kiểm tra của học sinh (ví dụ: 7,5 điểm thì làm tròn thành 8 hoặc làm tròn xuống thành 7 điểm - PV).

Tâm lý giáo viên không ai nỡ hạ điểm của học sinh. Vì thế, cách làm tròn đến ba lần (môn tiếng Việt có hai phân môn: đọc và viết, khi kiểm tra nội dung đọc nếu thấy điểm lẻ giáo viên sẽ làm tròn một lần, nội dung viết cũng làm tròn, môn toán lại làm tròn một lần nữa) đã đẩy số học sinh giỏi tăng cao ở nhiều đơn vị.

Điều này đã gây nên sự không công bằng đối với các em học sinh. Một phụ huynh tại Q.6, TP.HCM bức xúc: "Con tôi đạt điểm toán: 10, tiếng Việt: 8, là học sinh tiên tiến trong khi bạn cháu có điểm toán: 8,5, tiếng Việt: 8,5. Cả hai môn đều được làm tròn thành 9 và được công nhận học sinh giỏi".

Cải tiến nửa vời?
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Q.3, thông tư 32 có ưu điểm lớn nhất là... làm số học sinh giỏi tăng cao: "Nếu như ngày xưa số lượng học sinh giỏi chiếm tỉ lệ rất thấp thì nay tỉ lệ ấy dành cho học lực trung bình và tiên tiến. Mặc dù chúng tôi đã cho giáo viên khối lớp trên coi thi và chấm thẩm định bài thi của khối lớp dưới nhưng không thể trách giáo viên được. Họ có quyền làm tròn điểm cho học sinh mà tâm lý nhà giáo ai cũng thương học sinh của mình. Năm nay tìm đỏ con mắt cũng không ra học sinh trung bình".

Trong khi có quá nhiều học sinh giỏi như thế, những học sinh "không may" rơi khỏi danh sách lại trở thành "cá biệt".

"Con tôi đang học lớp 1. Hôm kiểm tra học kỳ 2 phân môn tập chép (học sinh nhìn lên bảng và chép lại bài, phân môn này thuộc môn tiếng Việt - PV), con tôi bị xếp ngồi bàn áp chót ngoài bìa bên cánh trái. Chuyện sẽ không có gì nếu con tôi thấy rõ hết chữ viết trên bảng. Đến khi biết kết quả bài kiểm tra của cháu chỉ đạt 6 điểm (trong khi suốt năm học con tôi luôn đạt điểm tốt ở các môn) và nghe con kể lại sự tình, tôi cho cháu đi khám mắt mới biết cháu bị cận khoảng 1,5 độ" - trích email của một phụ huynh ở TP.HCM gửi Tuổi Trẻ. Một phụ huynh khác ở Q.Tân Phú, TP.HCM cũng bức xúc vì con chỉ đạt danh hiệu tiên tiến do bị rối loạn tiêu hóa trong ngày thi.

"Kiến thức rất quan trọng nhưng điểm số giúp chúng tôi nắm được học lực của con cái. Đó là món quà tinh thần vô cùng cần thiết nên phải được đánh giá đúng. Nếu điểm thấp, lần sau cháu sẽ phải nỗ lực hơn. Nếu điểm cao, học sinh sẽ phấn chấn hơn trong học tập. Là phụ huynh, chúng tôi có quyền đòi hỏi được biết học lực thực chất của con mình" - anh V.H., phụ huynh học sinh lớp 2 ở Q.6, bày tỏ.

Một phụ huynh khác ấm ức: "Nếu thật sự ngành giáo dục muốn giảm bớt áp lực cho giáo viên, học sinh tiểu học tại sao không bỏ hết các kỳ kiểm tra đi? Tất cả môn học chỉ đánh giá đạt hoặc không đạt thì mới thật sự là cải tiến".

Theo Tuổi trẻ