Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh giao mùa


Mùa mưa đã bắt đầu. Đây là thời điểm cơ thể dễ mắc các bệnh sốt xuất huyết, viêm tai, sổ mũi, nấm da, ghẻ lở... do vệ sinh kém. Các bác sĩ khuyến cáo, khi ra đường cần mang theo áo mưa, tránh để quần áo, mền gối ẩm ướt, cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày.

Không chỉ sốt xuất huyết
BS Lê Bích Liên - Trưởng khoa Sốt xuất huyết (SXH), BV Nhi Đồng I TP.HCM, khuyến cáo: "Sau trận mưa đầu mùa khoảng một tuần, số trẻ mắc bệnh SXH thường tăng lên. Nhưng đến vào mùa mưa chừng một hai tuần, khi lăng quăng (ấu trùng của muỗi) tăng trưởng mạnh, thì số trẻ buộc phải nằm viện điều trị sẽ tăng nhiều hơn. Đến nay đã có từ vài chục đến gần 200 ca".

Tương tự, theo ghi nhận tại BV Nhi đồng II TP.HCM, số bệnh nhi bị SXH đang nằm điều trị nội trú hiện khoảng 10 em, nhưng có lẽ chưa dừng lại đó. Khoảng từ tháng 7 đến tháng 9, số bệnh nhi nhập viện có thể hơn 100 ca. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 20-30% số bệnh nhi đến khám SXH. Đáng ngại nhất là trẻ béo phì mắc SXH, bệnh trở nặng hơn so với những trẻ khác và dễ bị sốc.

Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu sốt cao kéo dài - Ảnh: P.Huy

Chuyển mùa cũng khiến nhiều người mắc bệnh viêm tai, sổ mũi, lở da đầu. Theo BS Võ Quang Phúc - Phó giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, thời tiết giao mùa sẽ khiến sức đề kháng cơ thể yếu hơn. Những cơn mưa đầu mùa cũng cuốn theo bụi bặm từ các tòa nhà cao tầng, cây xanh trút xuống người đi đường. Nếu người đi đường không có áo mưa bảo vệ, nước bẩn dễ chảy vào tai, gây viêm tai giữa. Thời điểm giao mùa cũng trùng với kỳ nghỉ hè, nên nhiều người tìm đến hồ bơi. Khi số lượng người bơi đông, các hồ bơi thường phải dùng lượng hóa chất khử trùng vượt mức cho phép, dễ gây bệnh viêm tai ngoài, viêm tai giữa.

Mưa nhiều, không khí ẩm ướt cũng khiến nhiều người sổ mũi. Đặc biệt, trẻ em khi bị viêm mũi sẽ không biết xì mũi, để nước mũi chảy xuống họng kéo theo viêm họng, viêm phế quản. BS Nguyễn Nhật Ninh - nguyên Trưởng khoa Lâm sàng I, BV Da Liễu TP.HCM nhắc nhở: bệnh nấm chân chiếm 70% số các bệnh ngoài da trong mùa mưa. Bệnh này thường gặp ở những người có cấu trúc kẽ ngón chân thứ ba, thứ tư khít vào nhau. Nước mưa thường làm cho chân ẩm ướt, từ đó, nấm sợi, nấm candida bám vào, gây ngứa, đỏ. Ngoài ra, mùa mưa cũng làm kẽ tay, vùng da non hai bên đùi dễ ghẻ lở; da đầu hay bị viêm nang lông do tóc ẩm ướt.

Không nên tự xử
Đặc trưng của SXH là gây chảy máu, vì vậy, cạo gió, cắt, lể khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng máu, dẫn đến tử vong. Để hạ sốt, phụ huynh cũng hay vắt chanh vào họng trẻ, gây sặc, ngưng thở. Nhiều người "tắm" rượu để hạ nhiệt cho con nhưng lại khiến bệnh nhi ngộ độc. Nhiều bệnh nhân (BN) nhập viện trễ còn do tự mua thuốc Bắc, thuốc Nam điều trị khiến cho việc chẩn đoán và điều trị khó khăn.

Mới đây, một bé tám tháng tuổi nhập viện (BV Nhi đồng I) trong tình trạng sốt cao do bị SXH. Đến tối, thấy bé quấy khóc, bứt rứt không chịu ngủ, mẹ của bé nghĩ do phòng đông bệnh nhi nên lén đưa con về nhà. Nửa đêm, bé bị sốc rồi tử vong. Do đó, khi trẻ sốt cao trên hai ngày và có một trong những biểu hiện sau cần đưa ngay đến BV: bứt rứt, lăn lộn, li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đau bụng, ói, tay chân lạnh, lừ đừ, nằm một chỗ không chơi, trẻ lớn than mệt, trẻ nhỏ bỏ bú, bỏ ăn uống. Nếu không, trẻ dễ bị biến chứng sốc nặng, xuất huyết tiêu hóa, tử vong.

Với BN bị viêm tai giữa, nếu chỉ bị xung huyết màng nhĩ, khả năng phục hồi rất nhanh. Tuy nhiên, có trường hợp, BS phải rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ ứ đọng bên trong. Viêm tai giữa nặng có thể làm thủng màng nhĩ, bệnh nhân phải đi vá lại màng nhĩ để đảm bảo sức nghe. Vi khuẩn cũng có thể tiếp tục tấn công xương chũm, gây viêm xương chũm. Nếu BN tiếp tục không chữa trị, vi khuẩn sẽ "ăn" luôn dây thần kinh mặt, gây liệt cơ mặt. Nhẹ hơn là chứng viêm tai ngoài, BN sẽ bị nổi mụn nhọt, nhiễm trùng trên ống tai. BS Phúc cảnh tỉnh: thuốc nhỏ tai cũng phải dùng theo chỉ dẫn của BS, vì có những loại thuốc chỉ được sử dụng khi chưa thủng màng nhĩ, khi màng nhĩ đã thủng, thuốc có thể làm giảm thính lực hoặc điếc nặng.

Tự phòng bệnh
Tóm lại, khi đi ngoài trời mưa phải mang áo mưa, chọn các hồ bơi đạt tiêu chuẩn. Sau khi đi mưa về, cần rửa sạch và lau khô các kẽ chân, thoa thuốc chống nấm. Nên dùng bông sạch ngoáy loại bỏ nước mưa và nước hồ bơi trong tai. Khi xì (hỉ) mũi, người bệnh nên dùng tay ép một bên cánh mũi để xì bên còn lại. Nếu ép cả hai bên, sẽ tạo ra lực tống vi khuẩn bay trở ngược vào bên trong xoang mũi, gây ù tai, viêm tai giữa. Cần vệ sinh răng miệng, súc miệng, họng mỗi ngày bằng nước muối (pha một muỗng cà phê muối với nửa lít nước ấm từ 40-500C). Không nên pha nước muối quá đặc, làm hư niêm mạc miệng, pha quá loãng sẽ không có tác dụng. Thời điểm giao mùa, cũng là lúc trẻ không đến trường nên hay ngủ nướng. Phụ huynh cần mắc mùng cho trẻ, kể cả ban ngày, để không bị muỗi đốt.

Theo PN