Nhà văn hóa nông thôn: Thiếu chỗ cho trẻ em
Góc sân và đường cái Trong khi đó, nhà văn hóa cụm 7, thôn Hạ Hiệp thì đóng cửa im lìm. Nhà văn hóa được xây dựng dựa trên nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp, mỗi khẩu góp 25.000 đồng. Tuy mới được đưa vào sử dụng nhưng chủ yếu được dùng làm nơi hội họp của khối dân cư cụm, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... Sân nhà văn hóa được kẻ làm chỗ cho các cụ đánh cầu lông. Chị Vương Thị Lan, một người dân cạnh nhà văn hóa cho biết: "Trong nhà văn hóa không có chỗ chơi cho trẻ con. Chúng tôi sợ lũ trẻ vào phá phách hết". Chị Lan cũng cho biết ở Hạ Hiệp đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị ngã xuống ao hồ, chết đuối hay bị tai nạn. Một giáo viên trường mầm non xã Liên Hiệp cho biết thêm: "Do các nhà văn hóa hẹp, thiếu sân chơi nên ngoài giờ lên lớp, các cháu thường chỉ dẫn nhau ra đường cái, không có người quản lý nên dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc. Năm ngoái có trường hợp hai anh em dắt nhau đi chơi, đứa em hai tuổi rưỡi rơi xuống ao bên cạnh đường, chết đuối. Mới đây, vào tháng 4/2010 cũng xảy ra một chuyện đau lòng. Bé Đỗ Minh Phụng, 2 tuổi chơi ở nhà bị ngã xuống bể nước chết đuối. Ông Từ Tất Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết: Toàn xã đã xây dựng được 6/10 nhà văn hóa ở các cụm nhưng hầu hết các nhà văn hóa đều nhỏ, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, 100% nhà văn hóa không có sách, báo, tivi... Ông Tuấn cũng thừa nhận, việc bố trí chỗ chơi cho trẻ em còn hạn chế. Cần cho trẻ một chỗ chơi Ông Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có 60 - 70% thôn có nhà văn hóa nhưng tỷ lệ đạt chuẩn còn rất thấp. Hầu hết các nhà văn hóa chủ yếu chỉ để phục vụ hội họp chứ chưa tạo được sân chơi cho trẻ em. Ngay cả xã Song Phượng, địa phương được chọn xây dựng nông thôn mới của huyện cũng chưa có nhà văn hóa nào đạt chuẩn. Ông Nguyễn Đình Xứng, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Quốc Oai cũng cho biết: Rõ ràng trẻ em nông thôn đang rất thiếu sân chơi, nguy cơ chết đuối cao hơn cả ở thành phố vì ở thành phố trẻ có tiền đến bể bơi, còn ở nông thôn thì không. Vì vậy, theo ông Xứng, các địa phương khi xây dựng nhà văn hóa cần quy hoạch một góc nhỏ để làm sân chơi cho trẻ em. Đồng thời huy động nguồn vốn xã hội hóa để mua sắm đồ chơi cho trẻ. Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết: Việc thiếu sân chơi cho trẻ em ở nhà văn hóa thôn có thể do hai nguyên nhân. Thứ nhất là do trong thiết kế theo quy định của Bộ VHTT&DL chưa có. Thứ hai là trong thiết kế có nhưng khi thực hiện thi công ở cơ sở lại bỏ sót. Ông Cương cũng cho rằng, cần phải quy hoạch sân chơi cho trẻ trong nhà văn hóa để hạn chế những tai nạn đáng tiếc khi trẻ đi chơi ngoài đường, ao hồ. Trong Đề án xây dựng nông thôn mới của Hà Nội mới được UBND TP thông qua mới đây thì toàn TP hiện có 1.793 thôn có nhà văn hóa (chiếm 83%), trong đó mới có 578 nhà văn hóa đạt chuẩn (32%). Theo KTDT |