Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Điện ảnh học đường”: Nuôi dưỡng những mầm non nghệ thuật


Lớp học, sân trường, góc phố... đều có thể trở thành trường quay, bàn học, bút chì, cây kéo... cũng là đạo cụ, những bộ phim ngộ nghĩnh của các tác giả tuổi học trò đã từng khiến người lớn phải tròn mắt ngạc nhiên.

Qua những tác phẩm điện ảnh này, học sinh thể hiện bản thân mình và thế giới trẻ thơ của mình. Đồng thời, qua thế giới điện ảnh học đường ấy, học sinh cũng được nâng cao nhận thức, khả năng cảm thụ nghệ thuật, kích thích tính chủ động, sáng tạo.

Việc đưa kiến thức điện ảnh vào trường học hiện ở nhiều nước trên thế giới đã trở thành một hoạt động nghệ thuật thú vị thu hút rất đông học sinh tham gia. Bà Bitte Eskilsson, Giám đốc phụ trách phát hành phim thanh thiếu niên (Viện Phim Thụy Điển) từng nói: Điện ảnh không phải là môn học trong nhà trường ở Thụy Điển và ở Việt Nam cũng nên như vậy. Điện ảnh là một công cụ, phương tiện biểu cảm để các học sinh tham gia vào xã hội khi trưởng thành. Vì vậy nên xem đây là hoạt động tự chọn để mở mang kiến thức và giúp các em phải động não phát triển tư duy.

Dự án "Điện ảnh học đường" do Bộ GD&ĐT, Viện Phim Viêt Nam và Viện Phim Thụy Điển phối hợp tổ chức đã được triển khai thí điểm tại tám trường tiểu học của Hà Nội và TP.HCM từ năm 2006, với mục đích ban đầu là đưa điện ảnh vào trường học, mở ra cho học sinh một sự hào hứng trong học tập, làm phong phú thêm hình thức dạy và học, góp phần đổi mới cách nhận thức, xây dựng phương pháp sư phạm mới trong giáo dục thẩm mỹ ở lứa tuổi học trò. Dự án cũng hỗ trợ nhiều cho việc phát hiện, nuôi dưỡng những mầm non nghệ thuật. Nhiều học sinh còn nhỏ tuổi nhưng đã bộc lộ năng khiếu trong tất cả các khâu từ diễn xuất, viết kịch bản và dàn dựng phim. Những bộ phim của học sinh có thể chỉ là những con vật biết nói, cảnh thiên nhiên, con đường tới trường với những tình huống ngộ nghĩnh...

Trong hơn ba năm triển khai, dự án đã thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý, của phụ huynh học sinh, đặc biệt sự hưởng ứng nhiệt tình của các trường tham gia và của các em học sinh. Đúng như ông Lê Tiến Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã nói: Nếu thay đổi cách giảng dạy bằng việc kết hợp đưa hình ảnh, chắc chắn hiệu quả tiếp thu của học sinh sẽ khác. Và điều này thì điện ảnh có thể giúp chúng ta.

Thực tế hiện cơ hội để trẻ em nước ta được tiếp cận với điện ảnh không nhiều. Mỗi năm, Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 10 bộ phim hoạt hình với thời lượng 100 phút phục vụ cho hơn 7,5 triệu học sinh tiểu học đang học tập và sinh hoạt trong 42.000 điểm trường. "Điện ảnh mang lại nhiều lợi ích cho các em học sinh" - đó là khẳng định của các nhà quản lý giáo dục. Trong thời gian triển khai dự án, nhiều đợt tập huấn phương pháp làm phim với một số đạo diễn, quay phim tên tuổi như : Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Việt Linh, Nguyễn Tường Phương, Đỗ Phú Hải, Vũ Mạnh Cường, Nguyễn K' Linh đã diễn ra dưới hình thức thảo luận, vẽ tranh về phim, cùng với những buổi chia sẻ kinh nghiệm làm phim giữa giáo viên và học sinh các trường tiểu học tham gia dự án, bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Những kiến thức, kỹ năng về đạo diễn, quay phim, biên kịch, dựng phim phức tạp và rắc rối đã được các em học sinh tiểu học tiếp nhận một cách hứng khởi và thực hành có hiệu quả. Các thầy cô giáo cũng đã vận dụng kiến thức điện ảnh đã được học để quay một số đoạn phim tư liệu phục vụ cho bài giảng. Nhờ có những hình ảnh minh họa và bổ trợ mà bài giảng của các thầy cô trở nên sinh động và có hiệu quả hơn rất nhiều so với các bài giảng "chay". Không dừng lại ở những bộ phim cụ thể, điều lớn nhất đọng lại sau đó là qua phương pháp này, học sinh biết biến điện ảnh thành phương tiện phục vụ học tập, biết thảo luận và phân tích những điều tốt đẹp trên phim, học cách tự thể hiện mình và biết cách bày tỏ quan điểm.

Thấy được hiệu quả của việc đưa dự án "Điện ảnh học đường" vào chương trình giáo dục, Viện Phim Việt Nam cũng quyết định đầu tư, tổ chức hàng tháng chiếu phim về thanh thiếu niên, các phim tư liệu về đất nước, con người Việt Nam, sau đó cùng học sinh thảo luận về phim. Điều này, giúp các em hiểu biết thêm về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, biết bày tỏ tâm tư, suy nghĩ của mình, và quan trọng hơn, thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt Nam. Hỗ trợ các câu lạc bộ điện ảnh ở các trường học xây dựng thư viện phim tạo cơ hội để học sinh tiếp cận điện ảnh với những góc nhìn khác, để các em tự nhìn nhận, đánh giá cuộc sống bằng những điều trong sáng nhất, bất ngờ nhất.

Theo KTĐT