Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lớp tiếng Anh tăng cường - Khó tìm phương án tối ưu


Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Phan Đình Phùng Q3 trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: SGGP
Trong suy nghĩ và tâm lý lâu nay của phụ huynh, lớp tiếng Anh tăng cường giống như "lớp chuyên, lớp chọn" bậc tiểu học. Con vào được lớp 1 tiếng Anh tăng cường là niềm vui của nhiều phụ huynh, vì vậy, ngay từ khi học lớp lá, trước khi chuẩn bị vào lớp 1, nhiều phụ huynh đã đem con luyện tiếng Anh, dù không ít trong số họ chưa hề biết lớp tiếng Anh tăng cường sẽ học gì và thi như thế nào.

Vẫn cương quyết cho trẻ đi "luyện"
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố bỏ kỳ khảo sát tiếng Anh vào lớp 1 năm học 2010 - 2011. Theo đó, lớp tiếng Anh tăng cường lớp 1 ở các trường sẽ được mở từ học kỳ 2 thay vì mở vào học kỳ 1 như mọi năm. Thậm chí, học sinh của trường này có thể sang trường khác học nếu trường đang học không có điều kiện mở lớp tiếng Anh tăng cường. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cương quyết "giữ vững lập trường". Chị H.T.Trinh, hiện có con chuẩn bị vào lớp 1 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1 chia sẻ: "Đầu lớp lá, tôi đã cho bé đi học thêm tiếng Anh ở nhà cô giáo rồi, chứ đâu phải bây giờ mới chuẩn bị đâu mà bỏ".

Chị Trinh cho biết, chị cũng theo dõi thông tin trên báo về việc bỏ khảo sát tiếng Anh vào lớp 1 năm học 2010 - 2011, nhưng chị cho rằng: "Sở chỉ dời lại sang học kỳ 2 chứ không phải bỏ hẳn. Như vậy, việc khảo sát chỉ là sớm hay muộn hơn".

Cùng suy nghĩ với chị Trinh, chị Phan Thị Ngọc Thảo, người cũng đang ấp ủ mong muốn cho con vào lớp tiếng Anh tăng cường Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tâm sự: "Tâm lý các bậc cha mẹ, ai cũng mong muốn chuẩn bị trước cho con em mình những điều tốt đẹp nhất. Ngay bây giờ, khi bé còn đang ở lớp lá, tôi cho con đi học tiếng Anh sớm, chứ nếu chờ đến khi vào lớp 1, sang học kỳ 2 mới bắt đầu chuẩn bị, tôi e là quá muộn".

Hiện nay, tại TPHCM, so với các lớp thường chỉ học tiếng Anh tự chọn 2 tiết/tuần. Trong khi đó, lớp tiếng Anh tăng cường học 8 tiết/tuần, cơ sở vật chất phòng học lớp tiếng Anh tăng cường được trang bị tốt hơn (máy chiếu, tủ sách, trang thiết bị hỗ trợ nghe nhìn...). Có lẽ vì vậy mà nhiều phụ huynh quan niệm cứ lớp tăng cường là phải tốt hơn lớp thường. Thậm chí, phụ huynh cho rằng lớp tiếng Anh tăng cường là lớp chuyên, lớp chọn, nếu có cơ hội học tại lớp này, trình độ con em mình sẽ nhỉnh hơn so với học sinh khác. Do đó, từ đầu năm nay, hầu hết các phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1 đều thăm dò khắp nơi để tìm chỗ ôn luyện ngoại ngữ cho con mình. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền 500.000 - 1000.000 đồng/tháng để cho bé đi học ngoại ngữ và chấp nhận đóng học phí cao hơn để con được học lớp tiếng Anh tăng cường, nếu thi đậu.

Lo ngại với quy định mới
Trở lại với quy định mới về kỳ khảo sát tiếng Anh vào lớp 1 của Sở GD-ĐT TPHCM năm học 2010 - 2011 sắp tới. Trong buổi họp báo công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh nhìn nhận: "Các năm trước, do điều kiện cơ sở vật chất và khả năng giáo viên tiếng Anh mà các trường tiểu học mở lớp tiếng Anh tăng cường. Muốn được vào lớp tiếng Anh tăng cường, trẻ 6 tuổi phải trải qua kỳ khảo sát năng khiếu tiếng Anh. Từ đó, chuyện phụ huynh cho trẻ vào lò luyện từ lúc 5 tuổi để có thể dự kỳ khảo sát năng khiếu tiếng Anh vào lớp 1 trở nên phổ biến".

Theo bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, chuyên viên tiếng Anh, Phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, việc kiểm tra kỹ năng đầu vào chương trình tăng cường ngoại ngữ không phải là một cuộc thi mà chỉ là bài kiểm tra để chọn ra những em có năng khiếu ngoại ngữ. Vì nhầm tưởng nên nhiều bậc phụ huynh đã gấp rút "ép" con học tiếng Anh trong khi tiếng Việt còn chưa rành là điều không nên.
Do đó, theo ông Minh, việc không khảo sát tiếng Anh tăng cường ngay từ đầu năm mà chuyển sang xét ở học kỳ 2 được xem là phương án tối ưu, nhằm hạn chế tình trạng cho con luyện thi tiếng Anh. Việc để trẻ học qua một học kỳ, sau đó sẽ chọn lọc lại những học sinh nổi trội, có năng khiếu học ngoại ngữ vào lớp tiếng Anh tăng cường vào đầu học kỳ 2. Những lớp tiếng Anh tăng cường phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất. Vấn đề đặt ra, nếu số trẻ hội tụ đủ năng khiếu như Sở GD-ĐT TPHCM đề cập "phát sinh" với số lượng lớn sẽ như thế nào?

Khi đặt vấn đề này, nhiều hiệu trưởng và chuyên viên tiếng Anh các phòng GD lo ngại, với quy định mới trên, rõ ràng "không giới hạn" trẻ vào lớp tiếng Anh tăng cường. Quy định mới này tốt khi và chỉ khi hội tụ 2 điều kiện cần và đủ, đó là đội ngũ giáo viên tiếng Anh và trường lớp tiểu học phải đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay ở TPHCM, việc thiếu trường, thiếu giáo viên là "bài ca muôn thuở", đặc biệt ở khối lớp 1, năm nào cũng nghe điệp khúc "quá tải, chạy trường"...

Thêm vào đó, theo quy định, điều kiện để mở lớp tiếng Anh tăng cường sĩ số lớp phải đảm bảo 35 HS/lớp và thường học bán trú. Từ đó đặt ra giả thuyết, nếu số lượng học sinh vào quá đông, đến giờ chót, trường tuyên bố cơ sở vật chất không đảm bảo, không đủ mở lớp, chắc chắn tâm lý phụ huynh sẽ hụt hẫng.

Mặc dù Sở GD-ĐT TPHCM đã tuyên bố trong buổi họp báo rằng: Việc xét tuyển tiếng Anh tăng cường sẽ do hội đồng xét tuyển, hiệu trưởng, thanh tra giám sát nên sẽ hạn chế được cảm tính của giáo viên và sẽ công bố tiêu chí xét tuyển cụ thể, nhưng rõ ràng từ phía nhà trường, giáo viên và đặc biệt là phụ huynh, với quy định này như "ngồi trên đống lửa". Hiện TPHCM có hơn 1.000 lớp của hơn 150 trường tiểu học công lập thực hiện mô hình lớp tăng cường. Tuy nhiên, số lượng đó mới chỉ giải quyết được khoảng 50% nhu cầu. Vì vậy, "cuộc đua" vào các lớp này mọi năm đều hứa hẹn nhiều căng thẳng

(Theo SGGP)