Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chọn tã lót, quần áo phù hợp cho trẻ


Trẻ em không thể tự lựa chọn được trang phục cho mình, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì thế cha mẹ sẽ là người quyết định cho trẻ mặc gì ở độ tuổi nào, loại gì phù hợp... Dưới đây là những lời khuyên bổ ích mà chuyên gia tư vấn Webtretho dành cho các bậc phụ huynh


Những điểm cần lưu ý chung trong việc lựa chọn tã lót, quần áo trẻ em

- Nên sử dụng tã lót cho trẻ đến khi trẻ đã hoàn toàn kiểm soát được vấn đề tiêu tiểu (ít nhất là khoảng hai năm rưỡi).

- Loại tã vuông làm bằng vải trước đây luôn phải cần đến các kim ghim an toàn, tã này không gọn và có thể khiến trẻ khó chịu khi cử động. Hiện nay có rất nhiều loại tã sử dụng một lần và cả loại tã có thể tái sử dụng. Bố mẹ nên chọn các loại này vì được may sẵn theo hình dáng phù hợp, có miếng dán chắc chắn hoặc có loại khoá không dùng kim ghim.

- Tã phải vừa với trẻ trai và thoải mái với trẻ gái. Trẻ trai thường làm ướt phần trước của tã vì vậy tã dùng cho trẻ trai nên có thêm miếng lót ở phía trước còn trẻ gái thường làm ướt phía sau nhiều hơn nên có thêm miếng lót phía sau.

- Thời gian đầu trẻ thường cần được thay tã lót, quần áo sạch nhiều lần trong ngày, do đó nên chọn những loại dễ mặc vào cũng như dễ cởi ra, đồng thời có thể giặt và phơi khô nhanh chóng.

- Tã lót, quần áo phải có các khóa đảm bảo sử dụng dễ dàng (khoá bấm tốt hơn nút). Đối với quần áo cho trẻ nhỏ nên mua loại có băng dán dính hoặc khuy nút lớn. Tránh dùng ruy băng vì sẽ khó tháo ra.

- Nên chọn quần hay váy có dây lưng thun hoặc dây rút dễ buộc. Đừng bao giờ mua cho trẻ nhỏ, đặc biệt là ở tuổi mẫu giáo loại quần tây có dây kéo (fermeture) phía trước. Điều này sẽ tiện hơn cho trẻ trong thời gian trẻ tập tự mặc vào và tự cởi ra.

- Tránh dùng len nguyên chất vì có thể gây kích ứng cho da trẻ. Hãy chọn loại vải không gây dị ứng như cotton hoặc sợi thiên nhiên để có thể giúp cho trẻ điều hòa nhiệt độ dễ hơn.
- Cần kiểm tra xem trong quần áo có nhãn cho biết là dễ cháy hay không.

 

Chọn tã giấy thấm hút tốt để giúp bé được thoáng, sạch. Ảnh: Images.


- Không nên mua các loại quần áo có các lỗ hở nhỏ mà ngón tay, ngón chân, móng tay, móng chân của trẻ có thể bị mắc kẹt vào đó.

- Mua sắm đầy đủ các quần áo mát dành cho mùa nóng và các quần áo ấm dành cho mùa lạnh.

- Vì trẻ em là lứa tuổi tăng trưởng và phát triển nên quần áo của trẻ rất mau ngắn, mau chật và cần phải được thay thế bằng những quần áo khác có kích cỡ lớn hơn, phù hợp hơn cho trẻ vì vậy sẽ lãng phí nếu mua sắm cùng một lúc quá nhiều quần áo có cùng kích cỡ cho trẻ.

- Chọn quần áo cho trẻ cần phải rộng rãi vì như vậy trẻ sẽ không bị giới hạn khi vận động và quần áo cũng lâu chật hơn. Cũng nên chọn quần áo được may bằng chất liệu mềm mại, cổ tay, cổ chân co giãn tốt.

- Nếu mua quần áo đã xài rồi nên phải kiểm tra xem có dễ cháy không, độ co giãn còn tốt không và tình trạng các khoá gài.
- Nên dùng loại quần áo nào dễ giữ gìn, dễ giặt, có thể giặt máy được và không bay màu vì thật khó, thậm chí không thể giữ cho quần áo của trẻ lúc nào cũng luôn thẳng nếp, sạch sẽ và đẹp đẻ được.

- Không nên dùng bất kỳ loại bột sinh học hoặc loại thuốc mềm vải nào để giặt quần áo của trẻ vì các chất này có thể khiến da trẻ bị dị ứng.

 

Nên chọn vải cotton mềm để tránh trầy xước da bé. Ảnh: Images.


Các loại quần áo thường dùng cho trẻ em

- Áo liền quần, loại quần áo này thích hợp cho trẻ nhất là trong 6 tháng đầu. Trong 3 - 4 tháng đầu có thể cho trẻ mặc cả ngảy, lớn hơn cũng có thể mặc như khi đi ngủ.

- Chọn áo liền quần cũng rất tiện dụng và tiết kiệm. Áo liền quần đặc biệt hữu ích vì khi mặc áo liền quần trẻ có thể cử động thoải mái đồng thời vừa giữ cho trẻ ấm nhưng cũng không quá nóng, lại dễ dàng cho việc thay tã đối với trẻ nhỏ.

 

Quần đóng tã, giúp định vị tã tốt hơn cho bé. Ảnh: Images.

 

- Nên mua loại với nút bấm ở phía trước và quanh đũng quần vì loại này dễ dàng nhất khi mặc vào. Tránh những loại có bao tay gắn liền vì trẻ cần tập sử dụng bàn tay của mình. Cũng nên chọn vải sợi cotton, rộng rãi vì bộ áo liền quần bó sát có thể ảnh hưởng đến bộ xương của trẻ.

- Bộ đồ trẻ mặc khi thời tiết nóng để lê la trong nhà nên chọn bộ đồ bằng vải sợi ngắn tay và không có ống quần sẽ giúp trẻ mát mẻ. Nếu có dây thun luồn quanh ống quần thì không được chặt quá và nên chọn loại có khuy bấm dưới đáy quần giúp cho việc thay tã dễ dàng hơn.

- Quần áo mặc khi đi ngủ: Đối với trẻ sơ sinh thì nên chọn kiểu áo choàng buổi tối hoặc kiểu áo liền quần (có dãi rút ở dưới giúp thay tã dễ dàng). Đối với trẻ lớn thì kiểu đồ ngủ với hai ống quần bít kín luôn chân sẽ giữ cho trẻ được ấm áp nhưng phải đảm bảo đủ rộng để không ảnh hưởng đến sự phát triển của chân trẻ và tốt nhất là loại quần áo mặc ngủ 100% cotton.

 

Có rất nhiều loại để bố mẹ lựa chọn cho bé. Ảnh: Images.

 

- Quần áo đi chơi ngoài trời nên chọn các bộ quần áo dài tay, bằng chất liệu nhẹ để bảo vệ trẻ khỏi tác hại của ánh nắng mà trẻ vẫn mát mẻ. Khi trời có gió, lạnh phải mặc cho trẻ loại quần áo có đệm lót để gió không lọt vào giúp giữ hơi ấm hoặc mặc thêm cho trẻ một lớp quần áo vì trẻ rất dễ bị lạnh.

- Áo len tay dài nên chọn loại cài nút đằng trước, tránh loại lông dài hay len lông xù. Không nên chọn bất cứ loại áo len đan nào có lỗ to vì ngón tay trẻ có thể mắc kẹt vào.

- Áo lót là loại áo mà có thể gây cho trẻ cảm giác khó chịu nhất khi mặc do phải tròng qua đầu của trẻ vì vậy nên dùng cho trẻ loại có cổ rộng hoặc kiểu bao thư, có nút gài ở vai để dễ tròng qua đầu trẻ hơn và nên chọn áo có ống tay rộng và bằng vải cotton hoặc bằng len (dùng khi trời lạnh).

Quần lót cho trẻ em

- Mặc quần lót cho trẻ giúp giữ gìn vệ sinh, tránh sự cọ xát của cơ quan sinh dục trẻ với lớp quần dày bên ngoài nhất là các loại quần bằng chất liệu cứng như Jean, Kaki.

- Việc mặc quần lót không nhất thiết khi trẻ còn nhỏ tuổi nhưng khi trẻ khoảng 10 - 13 tuổi thì cần phải mặc quần lót vì lúc này cơ quan sinh dục đã phát triển.

- Trẻ đã lớn nhất là khi trẻ ở tuổi dậy thì (theo các bác sĩ Nhi khoa, tuổi dậy thì là từ 15 - 20 tuổi nhưng nếu được nuôi dưỡng tốt thì trẻ có thể dậy thì sớm hơn vào lúc 12 - 13 tuổi. Hiện nay, tuổi dậy thì phổ biến ở trẻ gái là 11 tuổi +/- 5 tháng và trẻ trai là 13 tuổi +/- 2 tháng) nên bắt buộc phải mặc quần lót vì khi đó trẻ gái bắt đầu có dịch âm đạo, hành kinh hàng tháng còn trẻ trai cơ quan sinh dục to ra, thâm đen, tinh dịch xuất hiện, có khi xuất hiện nhiều trong đêm.

Ngoài ra, đối với trẻ gái thì việc mặc quần lót lúc này sẽ giúp trẻ có ý tứ, kín đáo hơn và đối với trẻ trai việc mặc quần lót còn giúp cho cơ quan sinh dục nam gọn gàng hơn, tránh những ảnh hưởng tâm lý không tốt cho bản thân trẻ hoặc bạn bè khi có những kích thích gây cương dương (điều này cũng dễ xảy ra ở lứa tuổi dậy thì).

- Có trẻ được cho mặc quần lót rất sớm thậm chí ngay khi vừa mới hết mặc tã. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có thể khó chịu khi phải mặc thêm quần lót và có thể cảm thấy việc mặc quần lót gây trở ngại khi tự đi vệ sinh.

- Nếu dùng quần lót cho trẻ nhỏ thì chỉ nên mặc khi đi ra ngoài đường để tạo một lớp lót mềm mại giữa cơ quan sinh dục với quần cứng bên ngoài. Khi trẻ về nhà và nhất là khi trẻ ngủ nên hạn chế mặc quần lót để cơ quan sinh dục của trẻ được thông thoáng, dễ chịu, điều này càng cần thiết khi mùa hè.

- Nên chọn quần lót vừa vặn (không quá chật cũng không rộng quá cỡ), quần lót mềm mại, được may bằng chất liệu thoáng mát (nên chọn cotton), thấm hút mồ hôi, thun quần co giãn tốt.

- Tránh mặc quần lót quá chật, bó sát vào cơ quan sinh dục ngoài vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ quan sinh dục nhất là đối với trẻ trai.

- Quần lót bí hơi cũng ảnh hưởng xấu đến cơ quan sinh dục và còn có thể gây hiện tượng kích ứng da, viêm da nếu trẻ mặc loại quần lót đó trong thời gian dài.

- Nên cho trẻ mặc quần lót khô ráo nếu mặc quần lót ẩm ướt thường xuyên dễ bị nhiễm nấm.

- Quần lót cần phải sạch sẽ, được ngâm giặt kỹ bằng xà phòng, phơi ngoài trời nắng để sát trùng, không nên phơi ở những nơi kín trong các hốc tối.

Theo Webtretho