Phụ huynh sốc vì con bị 'Tây hóa' Mỗi lần đi học về, bé Linh lại vẫy tay reo từ cổng "Hello mẹ", "Hello bà". Cô bé có thể nói, viết tiếng Anh thông thạo, nhưng viết chữ Việt lại bập bõm. Chị Lê Châu, mẹ của bé Linh cho biết, từ nhỏ đã cho con đi học tại trường mầm non quốc tế. Từ lớp mẫu giáo, bé đã tiếp xúc với chương trình dạy tiếng Anh, nên khi nhập học lớp 1, ngoại ngữ của Linh đã khá tốt. Chị Châu giải thích, cho con học như vậy vì muốn lớn lên, cháu có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Việc học ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với các em nhỏ. Các bé có thể học song song hai ngôn ngữ nhưng việc ưu tiên dạy tiếng mẹ đẻ vẫn là tiên quyết. Ảnh:T. S. Ở lớp 1, bé Linh tiếp tục theo học ở trường quốc tế. Hằng ngày, bé được tiếp xúc với nhiều giáo viên và bạn học nước ngoài, chủ yếu sử dụng tiếng Anh. Về nhà, gia đình lại khuyến khích bé rèn luyện thêm ngôn ngữ này. Kết quả là, hiện tại, việc đọc và viết đúng tiếng Việt đối với bé Linh còn khó hơn cả tiếng Anh. Chị Châu lo lắng: "Đáng lẽ tôi phải cho cháu học song song cả tiếng Việt và tiếng Anh thì chắc không đến nỗi nào. Bây giờ, gia đình phải cho cháu học tăng cường tiếng Việt để không bị mất gốc". Tương tự là trường hợp của gia đình chị Thu Trúc ở Bình Thạnh, TP HCM. Vì muốn con được tiếp xúc phương pháp học năng động, thoải mái của nước ngoài, cũng như tiếp cận văn hóa các nước, chị cho con gái học trường quốc tế từ lớp 1. Ban đầu, chị Trúc thấy tự hào vì con có suy nghĩ độc lập, sống tự giác và dạn dĩ trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng lớn cô bé càng có biểu hiện "quá sòng phẳng" trong quan hệ bạn bè, họ hàng, thậm chí không nghe lời cha mẹ và thường xuyên tranh luận để bảo vệ ý muốn của mình. "Có thể, cháu bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lối sống tự do thể hiện bản thân của văn hóa ngoại nên trước bất cứ chuyện gì, cháu cũng đòi hỏi sự bình đẳng và câu trả lời xác đáng từ người lớn. Nhiều lúc, tôi thấy sợ khi thấy con gái biểu hiện cứ như một người trưởng thành, ngang vai vế với cha mẹ", chị Trúc cho biết. Người mẹ trẻ cũng lo sợ, con gái đang học lớp 4 của mình khi lớn lên sẽ quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc cũng như nề nếp sinh hoạt của gia đình. Chị Trúc cho biết thêm, đích thân chị phải đi tìm mua rất nhiều quyển truyện và đĩa nhạc thiếu nhi tiếng Việt để con không quên ngôn ngữ chính của mình. "Tôi cũng phải theo dõi sát sao những thay đổi trong tâm lý của cháu để uốn nắn. Có điều kiện cho con đi học ở trường quốc tế là rất tốt vì các cháu được tự do phát triển khả năng bản thân. Nhưng không thể phó mặc cho nhà trường mà con cái vẫn rất cần sự giáo dục, góp ý từ gia đình", chị Trúc nói. Hiện nay, phần lớn các gia đình có điều kiện đều muốn cho con học các trường quốc tế ngay từ khi còn nhỏ để trẻ tiếp cận với phương pháp học mới, phát huy tính sáng tạo và sử dụng tốt ngoại ngữ. Tuy nhiên, một vấn đề đang khiến nhiều phụ huynh và các nhà sư phạm lo lắng là khả năng nói tiếng Việt và cách ứng xử theo văn hóa truyền thống của trẻ nhỏ đang bị thiếu hụt. Hiện TP HCM có 36 trường mầm non quốc tế và phần lớn đều không dạy chương trình bằng tiếng Việt. Nhiều trường gộp học sinh nước ngoài và Việt Nam học chung và ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh. Thậm chí, có những trường, khi phụ huynh Việt Nam yêu cầu mới cho học sinh học thêm tiếng mẹ đẻ. Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Thị Kim Thanh cho hay, hiện nay, Bộ GD&ĐT cho phép rất nhiều trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam kể cả hệ mầm non, nhưng chưa có quy định cụ thể về việc phải dạy trẻ mầm non theo chương trình tiếng Việt. "Chưa có nghiên cứu nào nói rằng, các em học song ngữ là không tốt. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh muốn con phát triển tốt khả năng ngoại ngữ để sau này có thể hội nhập quốc tế, thì nên đầu tư cho con em học tốt ngôn ngữ mẹ đẻ ngay từ đầu. Có như vậy, các em mới thấy yêu quý hơn đất nước và ngôn ngữ Việt", bà Thanh nhấn mạnh. Trong một buổi hội thảo về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh trường quốc tế tại TP HCM, diễn giả Trịnh Xuân Khanh cho rằng, vấn đề văn hóa của người bản xứ sẽ không được áp dụng ở các trường học quốc tế mà đối tượng học sinh vừa là người nước ngoài, vừa là bản xứ. "Sẽ không có chuyện chọn định hướng văn hóa duy nhất mà dạy theo văn hóa chung hay còn gọi là văn hóa toàn cầu. Cho nên, vấn đề ở đây là, bản sắc văn hóa sẽ nhượng bộ tính quốc tế ở mức độ nào? Và bản thân gia đình của học sinh bản xứ có quan tâm tới việc giáo dục giữ gìn bản sắc dân tộc hay không?", ông Khanh nêu quan điểm. Theo VnEpress |