'1900… là dụ con nít đó nghe ba' Cũng như bao đứa trẻ khác, con tôi rất thích em phim hoạt hình. Tôi thường chọn kênh Bibi cho cháu xem. Nhưng cách làm quảng cáo của các tổng đài trên các kênh này kiểu như tổng đài "Chị Thỏ ngọc" hay "Thế giới ABC", "Alô Ting Ting" đã khiến cho tôi hết sức lo lắng về giá trị đạo đức trong nhận thức của cháu sau này. Đó là trăn trở, lo lắng của thạc sĩ Võ Anh Tuấn thể hiện trong bài viết gửi Đất Việt. Người lớn chúng ta chỉ cần liếc qua kiểu quảng cáo của tổng đài thì cũng biết đấy là dịch vụ kinh doanh thu tiền qua các cuộc gọi đến. Việc nghe những câu chuyện cổ tích "dài bất tận" với mức giá cước 1.500 - 1.818 đồng một phút thì chi phí sẽ rất cao. Để tránh tình trạng con vướng vào chuyện này, tôi đành phải giải thích phòng ngừa với cháu: "Tổng đài họ nói như thế để con nít gọi đến cho họ và họ lấy tiền của con nít đó". Từ khi được tôi giải thích như thế, cháu nói với tôi: "1900... là dụ con nít đó nghe ba!", "Con hổng có bị dụ đâu". Ban đầu tôi hài lòng với kết quả phòng ngừa này nhưng rồi tôi lại đối diện với chuyện niềm tin của cháu về các giá trị đạo đức bị suy giảm. Lời quảng cáo của tổng đài đều hướng đến những giá trị đạo đức, rộng hơn là giá trị nhân văn: "Ai sẽ là người tiếp nối dũng sĩ Rika tiêu diệt cái ác?" (vấn đề thiện - ác); "Em có muốn trở thành người thông minh đại diện hành tinh để chiến đấu với... bảo vệ trái đất" (vấn đề về khả năng lý tưởng của con người)... Nhưng tổng đài được tôi dạy cho cháu là "dụ con nít", là xấu thì định hướng giá trị nhân văn trong cháu sẽ thế nào đây? Việc tôi tạo điều kiện cho cháu xem phim hoạt hình để kích thích trí tưởng tượng và phát triển tư duy hình tượng là cần thiết và chính đáng. Việc tôi ngăn ngừa chuyện cháu có thể tiêu tốn nhiều tiền vào việc gọi điện thoại cho dịch vụ tổng đài cũng là cần thiết và chính đáng. Thế nhưng tổng hợp hai điều cần thiết và chính đáng trên thì con tôi lại vướng phải chuyện không chính đáng là có thể mất định hướng về giá giá trị đạo đức của cháu. Như vậy, là phụ huynh của những mầm non mới nhú này, tôi phải làm sao để tốt nhất cho cháu?. Thạc sĩ Võ Anh Tuấn |