Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bùng nổ thị trường “cậu ấm, cô chiêu” ở Trung Quốc


Tong Tong là người tiêu tốn "dữ" nhất trong gia đình kể từ khi cậu chào đời. Cậu bé mới 11 tháng tuổi này dùng sữa bột nhập từ Mỹ, bỉm một lần của Nhật Bản, quần áo mua online và uống đủ loại nước dinh dưỡng, vitamin tổng hợp.

Trung bình mỗi tháng, các khoản chi cho Tong Tong lên đến 10.000 NDT (khoảng hơn 1.450 USD), chiếm gần 80% tổng chi tiêu của gia đình; và con số đó chưa dừng lại.

Mới đây, bố mẹ cậu vừa đăng ký cho Tong Tong tham dự một lớp "giáo dục sớm" với học phí là 13.000 NDT. Đó không phải là một khoản tiền nhỏ khi lương tháng của bố mẹ Tong Tong chỉ vào khoảng 18.000 NDT.

Người bố Yang Liangfeng, một kỹ sư cao cấp tại một nhà máy sản xuất ở Bắc Kinh, than thở: "Nó quá đắt. Nhưng vợ tôi quả quyết là Tong Tong cần lớp học đó để thêm phần hoạt bát. Dường như, nó hơi chậm thì phải."

Đầu tư cho Tong Tong như vậy, cặp vợ chồng này vẫn đôi lúc tủi thân bởi chưa là gì so với bạn bè, đồng nghiệp! Yang kể: "Đồng nghiệp tôi có cô con gái không bao giờ chịu uống sữa nếu không được thưởng trước một loại hoa quả nhập ngoại."

Tong Tong là một trong 16,2 triệu trẻ em chào đời ở Trung Quốc năm ngoái. Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, số trẻ em được sinh ra đang tăng ổn định trong thập kỷ qua. Một dẫn chứng là năm 1999, con số này mới là 11,5 triệu.

Các chuyên gia nhân khẩu học nhận xét một làn sóng "baby boom" mới đang xuất hiện ở Trung Quốc khi những đứa trẻ thuộc làn sóng trước (ở thập niên 80) giờ bước vào độ tuổi lập gia đình và sinh đẻ. Xu hướng tỷ lệ sinh tăng này có thể còn kéo dài đến năm 2015; và làn sóng đó đang làm hừng hực thị trường các sản phẩm cho trẻ em và trẻ sơ sinh.

Những ông bố bà mẹ ngày nay được học hành nhiều hơn và cũng khá giả hơn các thế hệ cũ. Họ sẵn sàng tốn kém vì sức khỏe và hạnh phúc của con cái, vì thành công học vấn trong tương lai của những đứa bé mới chỉ chập chững bước đi.

Bên cạnh đó, chính sách một con cũng dẫn tới việc ông bà, bố mẹ giờ cùng kết hợp chăm sóc thành viên nhỏ nhất của gia đình, chi tiêu không tiếc tay.

Theo ước tính, trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp sản phẩm phục vụ trẻ em ở Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm lên đến 30%. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước vẫn đang đổ xô vào thị trường này với hy vọng kiếm lời nhanh chóng từ những đứa trẻ, nhóm khách hàng tiềm năng bậc nhất hiện nay ở Trung Quốc.

Mới đây, thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang đã tổ chức cuộc thi "Ý tưởng các sản phẩm phục vụ trẻ em và trẻ sơ sinh," thu hút gần 10.000 ứng cử viên từ khắp đất nước.

Chính quyền Hàng Châu chính là Ban tổ chức cuộc thi và đã từng nhấn mạnh sẽ biến lĩnh vực sản phẩm này là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố.

Người chiến thắng trong cuộc thi trên là Xu Fuzhou, một quản đốc 36 tuổi ở tỉnh Quảng Đông. Phần thưởng là 10 triệu NDT vốn đầu tư cho kế hoạch kinh doanh độc đáo của Xu Fuzhou mang tên "Thị trấn trẻ em."

Đây là mô hình công viên giải trí mà ở đó, trẻ từ ba đến mười hai tuổi sẽ được đóng vai làm đủ các nghề nghiệp như trong thế giới người lớn. Xu Fuzhou có tham vọng gây quỹ lớn hơn nữa để mở khoảng 30 "Thị trấn trẻ em" tại các thành phố lớn trong vòng năm năm tới.

Xu Fuzhou đúc kết: "Đây là ngành công nghiệp đang nổi hứa hẹn nhất."

Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 246 triệu trẻ em dưới 14 tuổi và mức chi tiêu bình quân hàng năm cho một trẻ em là gần 10.000 NDT ở các thành phố hạng một và hạng hai.

Ước tính, giá trị thị trường cho các ngành công nghiệp liên quan đến đồ dùng trẻ em là khoảng 850 tỷ NDT trong năm 2008 và dự kiến vượt hơn 1.000 tỷ NDT trong năm nay./.

Theo Vietnamnet