Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thận trọng khi chọn trường quốc tế


Hàng loạt trường quốc tế, trường có chất lượng quốc tế tại TP HCM ra đời trong những năm gần đây giúp các bậc cha mẹ có thêm nhiều lựa chọn khi tìm trường cho con em mình vào lớp 1.

Tuy nhiên, hiện các trường quốc tế dạy 100% chương trình nước ngoài không phải là lựa chọn của đa số phụ huynh, do học phí khá cao và bản thân trường cũng "kén" học sinh (HS). Vì thế, khá nhiều phụ huynh chọn trường có chất lượng quốc tế nhưng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

Tìm đủ "đường" vào trường quốc tế
Dù thu nhập của gia đình chỉ khoảng 5 triệu đồng một tháng nhưng chị Nguyễn Ngọc Quyên (Q.Phú Nhuận) vẫn "nuôi mộng" cho con vào học trường quốc tế. Nghe tin có trường quốc tế miễn học phí cho những HS đạt bài kiểm tra tiếng Anh khi nộp hồ sơ vào lớp 1 nên từ đầu năm nay, chị đã cho con nghỉ học mẫu giáo để ở nhà luyện tiếng Anh. "Nếu đạt thì sẽ cho cháu học trường quốc tế, còn không sẽ học đúng tuyến là trường Chí Linh". Với mức học phí trung bình từ 2-3 triệu đồng một tháng, nhiều gia đình đang cố xoay xở cho con học trường quốc tế bởi ưu thế cơ sở vật chất tốt và học trò không bị ép "học theo thành tích".

"Một giờ học văn của HS trường Tiểu học dân lập quốc tế (số 4 - Thái Văn Lung, Q.1)".

Tuy nhiên, trên diễn đàn http://www.webtretho.com/, trong topic "Có nên chọn trường quốc tế cho con" thành viên có nick K'HOA đưa ra lời khuyên: Khi tìm hiểu một trường quốc tế, hãy đặc biệt quan tâm đến chương trình đào tạo của họ (ví dụ, trường BIS dạy theo chương trình của Anh, SSIS theo chương trình Mỹ...) để chắc chắn rằng con bạn được học một trường quốc tế thật sự. Thứ hai, hãy quan tâm đến đội ngũ giáo viên của trường, tiếp xúc với họ, tìm hiểu trình độ chuyên môn của họ. Và thứ 3 là khả năng tài chính, nếu không đủ mạnh thì nguy cơ "đứt gánh nữa đường" sẽ khiến cho con em mình "lưu vong" ngay trên chính quê hương của chúng.

Chọn trường nào?
Hiện ở TP.HCM có 15 trường tiểu học quốc tế, tạm chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các trường dạy sáng - chiều hoàn toàn bằng tiếng Anh, sau lớp 12, HS sẽ thi lấy bằng tốt nghiệp phổ thông theo hệ của Anh quốc, Hoa Kỳ hoặc Tú tài quốc tế (IB - International Baccalaureate) - tùy trường đó chọn theo hệ thống giáo dục phổ thông của nước nào. Nhóm trường này chủ yếu phục vụ con em người nước ngoài đến Việt Nam làm việc nên học phí rất cao (từ 10.000 USD một năm trở lên).

Nhóm trường thứ hai thu hút phần lớn HS người Việt Nam muốn học chương trình nước ngoài cả sáng chiều, nhưng có dạy thêm môn Văn, Sử, Địa theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Theo học các trường này, HS có thể phải chuyển qua nước ngoài học ít nhất lớp 12 hoặc cấp lớp tương đương để thi tốt nghiệp theo hệ giáo dục của nước mà các trường này chọn. Nhóm trường thứ ba là các trường dạy song ngữ Anh - Việt (không kể các trường dạy một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, như trường Hàn Quốc, Nhật Bản...).

Tuy nhiên, thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra khuyến cáo: "Nhìn chung các trường quốc tế đã áp dụng được các phương pháp giáo dục tiến bộ nhưng vẫn có một số ít đang chệch hướng: tập trung nhiều thời gian dạy môn ngoại ngữ và một số môn học quá mức cần thiết. HS ít được vận động, thiếu giao tiếp, chia sẻ...". Mới đây, Sở đã phải yêu cầu các trường quốc tế có HS Việt Nam đang học phải thực hiện việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập vào cuối năm các môn Tiếng Việt, Toán, Lịch sử - Địa lý, Đạo đức. Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng, phần lớn phụ huynh cho con vào các trường quốc tế, sẵn sàng trả học phí cao để mua sự yên tâm và muốn con mình được chăm sóc kỹ lưỡng.

Theo Báo Đất Việt