Lương giáo viên và sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với sự nghiệp GD&ĐT Giáo dục và đào tạo luôn là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó thể hiện bằng sự đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo không ngừng tăng lên. Từ năm 1998 đến năm 2010, trong điều kiện tài chính còn hạn hẹp, Nhà nước vẫn quyết định tăng dần đầu tư cho giáo dục và đào tạo từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi NSNN (1998:13,7%; 2000:15%; 2006 18,6%; 2007, 2008, 2009 và 2010 là 20%). Với tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục như trên, nước ta thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất của thế giới. Tuy nhiên, do quy mô ngân sách của nước ta còn bé, nên tổng mức ngân sách giáo dục còn nhỏ, mức chi bình quân cho một học sinh, sinh viên còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục, để thực hiện mục tiêu ai cũng được học hành với chất lượng ngày càng tốt hơn, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo thuộc các đối tượng chính sách, vùng miền núi dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và con em các hộ gia đình nghèo đi học, như: Chế độ miễn giảm học phí (đã có 53% số học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí), chế độ cấp học bổng chính sách; chế độ chính sách tín dụng sinh viên (đến nay đã có khoảng 1,6 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập với số tiền 18.000 tỷ đồng). Trong những năm qua, các chế độ đãi ngộ, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp vùng miền đối với nhà giáo luôn được bổ sung và thực hiện đầy đủ nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề và dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Thi kéo co của học sinh Tp. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh Từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hệ số ưu đãi cho giáo viên bình quân từ 1,35 lên 1,7 lần. Đây là mức đề xuất hệ số ưu đãi trong tương quan với hệ số ưu đãi của lực lượng vũ trang (bộ đội, công an là 1,8). Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và chưa chấp thuận với lý do còn phải tính đến ngành y tế, văn hoá và các ngành khác, mặt khác đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập như sau: Nhà giáo dạy cao đẳng, đại học là 25%; nhà giáo dạy trung học cơ sở, trung học phổ thông ở đồng bằng, thành phố là 30%; nhà giáo dạy mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở miền núi, hải đảo vùng sâu vùng xa là 35%; nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng) là 40%; nhà giáo dạy môn Mác - Lênin là 45% và giáo viên dạy mầm non, tiểu học ở miền núi, vùng sâu, vùng sâu, vùng xa hải đảo là 50%. Bình quân hệ số phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy là 35%. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao; trường năng khiếu nghệ thuật; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường dự bị đại học học; mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Để từng bước nâng cao tiền lương, thu nhập cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trong đó có nhà giáo), trong giai đoạn từ 2006-2012, Chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu. Từ năm 2006 đến tháng 5/2010, mức lương tối thiểu chung tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Với mức lương tối thiểu tăng lên như trên, thì thu nhập của giáo viên hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần. Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của giáo viên đã tăng 1,44 lần (2,085/1,446). Một lớp học ở vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Ví dụ, nếu một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010, thì sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân với hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35). Nếu ở thời điểm năm 2006 thì giáo viên này có mức lương là 1,105 triệu đồng/tháng (350.000 đồng x 2,34 x 1,35). Xin nêu một ví dụ khác, ở một tỉnh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, một công chức có trình độ cao đẳng thì được hưởng mức lương hệ số 2,1 và phụ cấp khu vực là 0,7 thì chỉ được 1.820.000 đ/tháng, nhưng cũng một giáo viên bậc học cao đẳng cũng làm việc tại khu vực đó thì ngoài hệ số 2,1; phụ cấp khu vực 0,7 còn thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút, cộng lại mức lương cũng gần 3 triệu đồng. Qua đó thấy được mức sống của giáo viên vào năm 2010 được cải thiện đáng kể so với năm 2006 và cao hơn so với công chức, viên chức của các ngành khác. Tuy nhiên, với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng lên như hiện nay, thì còn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, đời sống của một bộ phận nhà giáo vẫn còn không ít khó khăn. Làm thế nào để giáo viên sống được bằng đồng lương là mối trăn trở không của riêng ngành Giáo dục, mà là mối quan tâm chung của các ban ngành Trung ương, các địa phương và toàn xã hội. Trên nhiều diễn đàn Quốc hội, vấn đề lương nhà giáo luôn được đề cập. Mong muốn thì nhiều, nhưng thực hiện còn phải có lộ trình và phụ thuộc vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nước ta còn nghèo, ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Để nâng lương cho hơn một triệu nhà giáo (chiếm khoảng 80% đội ngũ công chức khối hành chính sự nghiệp) thì phải chi một lượng ngân sách khá lớn. Mặt khác, việc nâng lương cho giáo viên phải xét trong mối tương quan với công chức, viên chức các ngành khác. Tại kì họp thứ V, Quốc hội khóa XII, ngày 19/6/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 về định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Khoản 5 Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 nêu rõ: "Thực hiện chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho đội ngũ nhà giáo; tiếp tục chính sách khuyến khích nhà giáo dạy học ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giáo dục hoà nhập; thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong thời hạn 3 năm cho nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục". Vấn đề phụ cấp thâm niên của nhà giáo tiếp tục được khẳng định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010). Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan soạn thảo các văn bản trình Chính phủ trong năm 2010 để thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có việc thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Tóm lại, 5 năm qua tiền lương của giáo viên đã được tăng lên liên tục là do Nhà nước đã tăng lương cơ bản cho giáo viên, đồng thời thực hiện chế độ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút và sắp thực hiện phụ cấp thâm niên. Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách lương giáo viên như trên và sẽ có những cơ chế khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng giảng dạy để nâng cao thu nhập, đời sống của giáo viên sẽ tốt hơn. Nguyễn Văn Ngữ (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo) |