Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngành sư phạm đang mất giá


Khi thí sinh có xu hướng đổ dồn về các ngành kinh tế, tài chính, ngành sư phạm đang mất đi vị thế của mình với lượng hồ sơ đăng ký dự thi ngày càng giảm.

SV ĐH Sư phạm TPHCM trong giờ thể dục - Ảnh: Đ.Khoa

Hiếm hoi hồ sơ
Tại trường THPT Marie Curie, theo cô Kim Anh - cán bộ phòng giáo vụ, đến cuối buổi nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh, trường nhận được khoảng 2.400 hồ sơ.

Các trường thí sinh nộp vào nhiều vẫn không thay đổi như thống kê trước đó là ĐH Marketing, ĐH Mở TPHCM, Đại học (ĐH) Sài Gòn, Cao đẳng (CĐ) Kinh tế đối ngoại... Nhưng số lượng hồ sơ nộp vào các ngành sư phạm rất hiếm hoi.

Chỉ có 26 thí sinh nộp vào trường ĐH Sư phạm TPHCM với các ngành thiên về ngoại ngữ. Lượng thí sinh nộp vào các ngành sư phạm của ĐH Sài Gòn chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các ngành ngoài sư phạm. Trường CĐ Mẫu giáo T.Ư TPHCM chỉ có... 10 hồ sơ đăng ký thi vào.

Trong khi đó, với khoảng 1.600 hồ sơ ĐKDT tại THPT Trưng Vương, chỉ có 17 thí sinh thi vào trường ĐH Sư phạm TPHCM. Các em thi vào ngành Sư phạm của ĐH Sài Gòn cũng rất ít, trong khi không có thí sinh nào chọn trường CĐ Mẫu giáo T.Ư TPHCM làm nơi dự thi.

Trong số 1.000 hồ sơ ĐKDT nộp ở Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM, chỉ có 2 thí sinh lựa chọn trường CĐ Mẫu giáo T.Ư TPHCM. Số lượng thí sinh chọn trường ĐH Sư phạm TPHCM là 31 và số thí sinh chọn trường ĐH Sài Gòn là 78 (chưa tách riêng thí sinh thi ngành Sư phạm và Ngoài Sư phạm).

Trong khi đó, ở hai ngày nhận hồ sơ trực tiếp thí sinh, ĐH Sư phạm TPHCM mới nhận được hơn 300 hồ sơ ĐKDT. Năm nay, số lượng thí sinh có thể sẽ giảm so với năm 2009 (24.500 hồ sơ từ các nguồn).

Các ngành như song ngữ Nga - Anh, Giáo dục đặc biệt đang đứng trước nguy cơ khó thu hút thí sinh như các năm vừa qua.

Khuyên học sinh chọn ngành kinh tế
Các cán bộ phụ trách đào tạo những trường khối ngành sư phạm thừa nhận sự hấp dẫn của khối ngành sư phạm đối với thí sinh đang giảm rất nhiều.

Một cán bộ giáo vụ của trường THPT V. còn cho biết khi tư vấn cho thí sinh lựa chọn ngành để thi, giáo viên còn đưa khối ngành sư phạm và khối ngành kinh tế ra so sánh mức lương khi ra trường và khuyên học sinh lựa chọn ngành kinh tế...

Trong ngày đầu tiên trường ĐH Kinh tế TPHCM nhận hồ sơ trực tiếp, chúng tôi còn bắt gặp thí sinh T.M - sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM nộp hồ sơ vào đây.

Th.S Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TPHCM - cũng thừa nhận vấn đề này khi cho biết ông đã từng tiếp nhiều sinh viên đến tâm sự muốn thi sang trường khác vì lo ngại cho cuộc sống tương lai.

Khi đi tư vấn tuyển sinh, có học sinh còn tâm sự rất muốn thi vào trường ĐH Sư phạm TPHCM nhưng bố mẹ không cho mà muốn con mình học ngành gì để ra trường kiếm được thật nhiều tiền.

Ông Lâm còn cho biết: "Năm 2000, khi học sinh được khuyến khích thi vào sư phạm, lần đầu tiên trường nhận được lượng hồ sơ ĐKDT cao đến bất ngờ. Trường chỉ lấy 1.000 chỉ tiêu nhưng lúc ấy, có đến 42.000 thí sinh thi vào. Càng ngày, số lượng hồ sơ càng giảm.

Khi chế độ đãi ngộ, chính sách, phụ cấp cho người thầy tốt hơn mới mong có thí sinh thi vào nhiều được. Cho dù miễn học phí, nhưng với mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng khi ra trường của khối ngành sư phạm, nhiều phụ huynh thà chạy vạy lo cho con học ngành khác để khi ra trường có mức lương cao.

Giáo viên mà không đi dạy thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, luyện thi... thì khó mà sống nổi. Tôi cũng hay nói với sinh viên rằng làm giáo viên nghĩa là tâm huyết thực sự với bục giảng mới có thể theo đuổi nghề giáo suốt đời".

Chính vì thế, các ngành sư phạm của ĐH Sài Gòn phải chọn cách tuyển sinh trong cả nước để tăng thêm lượng thí sinh.

Trường tốp giữa "bội thu"
Trong hai ngày đầu tiên các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ trực tiếp, các trường "tốp giữa", nhất là các trường có khối ngành kinh tế, tài chính đều có lượng hồ sơ nộp vào rất cao. Đơn cử như trường ĐH Marketing, chỉ trong ngày đầu đã nhận hơn 400 hồ sơ ĐKDT của thí sinh.

Trong khi đó, ngày đầu tiên nộp hồ sơ trực tiếp, trường ĐH Kinh tế TPHCM chỉ nhận được hơn 200 hồ sơ.

Th.S Nguyễn Văn Đương - Phó Trưởng phòng đào tạo - Công tác Sinh viên trường ĐH Kinh tế TPHCM - cho biết dự đoán năm nay trường sẽ nhận ít hồ sơ hơn vì năm nay hồ sơ ảo sẽ ít hơn.

Theo Tiềnphong