Bi hài chuyện chạy trường cho con Nhiều phụ huynh chia sẻ, bên cạnh chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất và thái độ đón tiếp của trường cũng như sự an toàn của môi trường xung quanh là những yếu tố quan trọng để họ cân nhắc "chọn mặt gửi vàng". Cứ đến dịp tuyển sinh đầu cấp hằng năm, nhiều phụ huynh lại tất tả "chạy" trường cho con. Trao đổi với Đất Việt, hiệu trưởng một số trường ở TP HCM kể lại nhiều câu chuyện bi hài trong những mùa tuyển sinh đầu cấp và có không ít chuyện "cười ra nước mắt" từ tâm lý chuộng hình thức của phụ huynh. 'Trông mặt bắt hình dong' Giáo viên giỏi, cơ sở vật chất tốt là điều kiện tiên quyết để phụ huynh tin tưởng chọn trường cho con em. Ảnh: Nguyễn Thủy. Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, cũng chia sẻ từng "tối tăm mặt mũi" khi chứng kiến tình trạng phụ huynh chê trường, khi ông nhận công tác vào năm 1988. "Họ chấp nhận cho con đi học trường xa nhà, tận quận 1, quận 5, đầu tư cho con học thêm, luyện giáo viên giỏi để thi vào các trường chuyên lớp chọn chứ không chọn trường Trung Phú", ông Hùng kể. Ở bậc tiểu học, sự "phân cấp" các trường trong phụ huynh cũng "quyết liệt" không kém. Đơn cử, ngay trên địa bàn quận 1, cùng ở phường Cô Giang, nhưng phụ huynh đổ xô chọn Tiểu học Lương Thế Vinh mà "ngó lơ" Tiểu học Chương Dương, dù nhà ở gần trường này hơn. Nguyên nhân, theo chị Huỳnh Thị Tuyết Trinh, có con đang học lớp 1, cho biết: "Đơn giản là thấy trường Lương Thế Vinh có cơ sở vật chất khang trang hơn nên đoán trường này dạy tốt hơn". Năm ngoái, khi Tiểu học Đinh Tiên Hoàng quá tải, quận 1 phải "dàn xếp" điều bớt học sinh qua trường Đuốc Sống nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội của phụ huynh, vì cho rằng cơ sở vật chất trường Đuốc Sống không tốt. Trong khi đó, chất lượng của hai trường được Sở GD-ĐT đánh giá là tương đương nhau. Tìm cách giữ chân... phụ huynh Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng, cách đón tiếp của nhà trường, từ hiệu trưởng, giáo viên tới cả các nhân viên bảo vệ tác động rất lớn đến lựa chọn của phụ huynh. Bên cạnh đó, hình ảnh về nhà vệ sinh, cantin, sân chơi, mỹ quan xung quanh cũng có yếu tố quyết định tới cảm tình, sự gắn bó của học sinh, phụ huynh. Ông Điệp rút ra kết luận trên sau những chuyến "vi hành" ở các trường tiểu học trong vai trò một phụ huynh. Các trường cần đầu tư tốt cho hình ảnh ngôi trường. Về phía nhà trường, ông Ngô Tương Đại, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi, chia sẻ, từ năm 2003 đến nay, sau khi quyết tâm "chuyển mình", từ một ngôi trường bị mang tiếng là "địa bàn giang hồ", trường Nguyễn Trãi đã trở thành sự lựa chọn, gửi gắm của nhiều phụ huynh. Kết quả dạy và học của trường cũng nâng dần lên thông qua mức điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 tăng liên tục qua các năm. Năm 2010 này, trường cũng dự kiến sẽ tăng điểm chuẩn lên và chỉ nhận 11 lớp 10, giảm 5 lớp so với năm học trước để đầu tư lớp 2 buổi/ngày. Tương tự, cũng vì "tự ái" và quyết thay đổi suy nghĩ của phụ huynh, năm 1988-1998, sau 10 năm đổi mới liên tục về chất lượng đào tạo, đầu tư đội ngũ giáo viên giỏi, THPT Trung Phú Củ Chi từ một ngôi trường bị chê "chỉ qua được tốt nghiệp, không lên nổi ĐH, CĐ" đã trở thành "niềm mơ ước" của nhiều học sinh, phụ huynh. Từ năm 2000, sau khi cơ sở mới của trường xây dựng hoàn tất, mở thêm lớp chuyên, lượng học sinh tăng lên đáng kể. "Dù biết rằng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường cũng cần đầu tư tốt cho hình ảnh ngôi trường. Đó cũng là cách làm nên "thương hiệu" của một ngôi trường để thu hút học sinh và tạo dựng lòng tin nơi phụ huynh', ông Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, chia sẻ. Theo Báo Đất Việt |