Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo hướng nào?


Tại kỳ họp của QH lần này, dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại Hội trường. Chung quanh dự án Luật này cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, HNMĐT xin giới thiệu những ý kiến đó với bạn đọc. Có ý kiến của đại biểu QH đề nghị làm rõ khái niệm trẻ lang thang và quy định cụ thể cơ chế phối hợp giải quyết tình trạng trẻ em lang thang giữa các địa phương. Theo Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em, vấn đề trẻ lang thang là một thực tế và hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau. Để có chính sách cụ thể và phân biệt với trẻ em phải lao động xa gia đình, dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã quy định: "Trẻ em lang thang là trẻ em rời bỏ gia đình, tự kiếm sống ở nơi công cộng, không ổn định nơi cư trú và trẻ em cùng với gia đình đi lang thang". Biện pháp đối với trẻ em lang thang rời bỏ gia đình là đưa trẻ em về với gia đình; đối với trẻ em lang thang không còn nơi nương tựa thì được nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; đối với trẻ em lang thang của hộ nghèo thì giúp đỡ gia đình để xoá đói, giảm nghèo; đối với trẻ em cùng gia đình đi lang thang thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu và tạo điều kiện cho gia đình định cư, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khuyến khích, động viên kịp thời sự tham gia của xã hội, cộng đồng vào công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục các đối tượng trẻ em này. Việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là một trong những giải pháp xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Huy động mọi nguồn lực của xã hội vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là vấn đề hết sức quan trọng, vì vậy dự án Luật đã quy định vấn đề này thành 7 điều (từ Điều 44 đến Điều 50). Thực tế những năm qua đã xuất hiện khá nhiều cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngoài công lập, dưới nhiều hình thức phong phú mà phần lớn là do tổ chức, các nhân tự thành lập, hoạt động vì mục đích nhân đạo với các chức năng khác nhau. Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở trợ giúp trẻ em như vậy, dự án Luật đã quy định một số chính sách đối với cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập về quyền được tiếp nhận nguồn hỗ trợ bằng tài chính, hiện vật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ơ rtrong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động trợ giúp trẻ em. Hồng Đăng (Hà Nội Mới)