37% trẻ 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số không được học mẫu giáo Hiện nay với sự đầu tư của Nhà nước và xã hội, chất lượng giáo dục mầm non đã được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non toàn quốc bình quân hàng năm giảm xuống 2,1%. Tuy nhiên, trên thực tế, cấp học này còn gặp nhiều khó khăn. Năm học 2008-2009 vẫn còn khoảng 15% số xã chỉ mới có 1-2 lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học hoặc lớp mẫu giáo độc lập đặt ở trung tâm xã, trong khi đó vẫn còn nhiều thôn bản ở xa chưa có phòng học để mở lớp mẫu giáo. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 221.780 trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi, nhưng chỉ có 141.330 trẻ em ra lớp. Như vậy, còn 37% trẻ 5 tuổi không được đến lớp mẫu giáo. Đó là chưa kể, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các vùng nông thôn và vùng khó khăn còn thấp. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo khá cao, nhưng phần lớn được đào tạo chắp vá, qua nhiều hệ, nhiều loại hình đào tạo nên năng lực thực tế chưa tương thích với trình độ đào tạo. Khó khăn về trường, lớp, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đã tạo ra sự phân cực lớn về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ giữa vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn với thành thị và những nơi thuận lợi về kinh tế - xã hội. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đề án tập trung vào 3 nội dung chính: phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; giữ vững, củng cố nhà trẻ và mẫu giáo 3- 4 tuổi; xây dựng thêm trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện khó khăn, trong đó, lấy phổ cập mẫu giáo 5 tuổi làm trọng tâm. Đề án này được hy vọng sẽ tạo đột phá về chất lượng giáo dục mầm non trong những năm tới. Theo Báo DCSVN |