Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ mắc bệnh tự kỷ do cách chăm sóc của cha mẹ


Khi con tròn 1 tuổi, vợ chồng anh N.V.T (quận Bình Thạnh, TP.HCM) gửi hẳn cho một bà hàng xóm trông từ 6h-19h, tối về cũng ít thời gian gần gũi cháu. Đến năm 2 tuổi, cháu vẫn chưa biết nói và nhìn cái gì cũng sợ nên được cho đi nhà trẻ, nhưng bị trả về chỉ sau 2 tuần vì luôn la hét và không nghe theo bất kỳ chỉ dẫn nào. Đây chỉ là một trong nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ được điều trị tại Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 TP.HCM.

Từ đầu năm đến tháng 8/2003, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 130 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Theo các bác sĩ tâm lý, con số này mới chỉ phần nào phản ánh số trẻ mắc bệnh tự kỷ hiện kiểm soát được, vì còn nhiều trẻ vẫn chưa được phát hiện hoặc bị chẩn đoán nhầm nên đã được chuyển vào các trung tâm dành cho trẻ chậm phát triển, trẻ câm điếc.

Bệnh của con nhà giàu

Chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp - Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 cho biết, nhiều nước gọi bệnh tự kỷ là bệnh của con nhà giàu vì phần lớn trẻ mắc bệnh này đều sinh ra trong những gia đình khá giả, giàu có.

Ghi nhận thực tế tại Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, bác sĩ trưởng khoa Thái Thanh Thủy cũng nhận xét, phần lớn trẻ mắc bệnh tự kỷ đến đây điều trị đều sinh ra trong những gia đình khá giả, cha mẹ luôn bận rộn với công việc làm ăn, bệnh nhân ở TP.HCM đông hơn các tỉnh.

Yếu tố nguy cơ của căn bệnh này, theo nhiều chuyên gia, là cha mẹ bận rộn với công việc đã tách con ra quá sớm; trong thời gian mang thai 3 tháng đầu bà mẹ bị nhiễm virus hoặc do di truyền. Về mặt phân tâm học, tách trẻ quá sớm ra khỏi hơi ấm của mẹ sẽ làm trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, trẻ dần dần tự cô lập.

3 tuổi vẫn chưa biết nói

BS. Thủy cho biết, tự kỷ là hiện tượng rối loạn về tương tác xã hội, rối loạn về giao tiếp và có hành vi lặp đi lặp lại. Trẻ mắc bệnh tự kỷ chậm nói (2- 3 tuổi vẫn chưa biết nói), hay nói lặp, cách hiểu đơn giản, thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện. Những trẻ này thường say mê một vật gì đó quá đáng, lúc nào cũng giữ và ôm khư khư trong tay. Chúng rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn.

Trẻ mắc bệnh tự kỷ có kỹ năng cao về nhìn nhận không gian, giỏi học vẹt, hình thức bề ngoài có vẻ linh hoạt, thông minh khác hẳn với các trẻ chậm phát triển trí tuệ. Tình trạng này có thể phát hiện sớm nếu cha mẹ thường xuyên chú ý đến trẻ.

Những dấu hiệu giúp phát hiện bệnh sớm

BS. Thái Thanh Thủy cho biết, nếu cha mẹ chú ý có thể phát hiện bệnh khi trẻ mới ở tháng đầu sau khi sinh. Đối với những đứa trẻ bình thường, chúng có thể nghe và ngửi được mùi của mẹ, khi được mẹ ôm vào lòng sẽ có biểu hiện khoan khoái dễ chịu nhưng trẻ tự kỷ thì không tiếp nhận được bằng các giác quan.

Thường thì trẻ 3 tháng có thể tự ngóc đầu được nhưng trẻ tự kỷ không thể làm như vậy, khi được bồng bế cơ thể như đờ ra.

Lúc 6 tháng tuổi, trẻ tự kỷ sẽ có biểu hiện quá ngoan hoặc quá hung hăng, không cười, nhìn xa xôi, không bám lấy mẹ (ai bế cũng được), không biết cách ôm ấp lại mẹ, không biết phát âm những tiếng đơn giản như a, à, ba... Trẻ bình thường ở độ tuổi này rất thích đồ chơi nhưng trẻ mắc bệnh tự kỷ lại không chú ý đến.

Khi được 1 tuổi, trẻ tự kỷ vẫn không tiếp xúc bằng mắt, không biết bắt chước, thờ ơ với tiếng động.

Lên 2 tuổi, trẻ có những vận động bất thường như đi bằng đầu ngón chân, ngồi hay lắc người, vặn xoắn tay chân... Ngôn ngữ lặp lại, tiếp xúc kém, tình cảm nghèo nàn, vệ sinh chưa tự chủ.

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ rất quan trọng trong việc uốn nắn và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Nếu được điều trị sớm, trẻ có thể hòa nhập được với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống, còn nếu không được điều trị trẻ sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi dễ bị tâm thần.

Điều trị tự kỷ khác với điều trị tâm thần

Trước đây, các nước trên thế giới điều trị bệnh tự kỷ như bệnh tâm thần. Ngày nay hướng điều trị mới cho các trẻ mắc bệnh này là chữa bệnh bằng tâm lý. Cụ thể:

- Xây dựng lại cấu trúc tâm lý và nhân cách cá nhân tùy từng trường hợp cụ thể, giúp trẻ trở lại đúng khung tâm lý của trẻ.

- Xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa trẻ với gia đình (đặc biệt là với mẹ), quan hệ giữa trẻ với giáo viên, với bạn bè và môi trường xung quanh để thiết lập mối quan hệ tương tác xã hội.

- Tập cho trẻ có ý thức về bản thân và tự khẳng định bản thân.

- Tập phát triển ngôn ngữ phù hợp với khả năng của trẻ.

BS. Phạm Ngọc Thanh- Trưởng đơn vị tâm lý, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM kể, bệnh nhân mắc bệnh tự kỷ ở Pháp thường được điều trị tại các trung tâm hoặc ở các bệnh viện trong ngày, trừ những trường hợp quá nặng mới phải điều trị nội trú.

Các trung tâm, bệnh viện này có những phương pháp trắc nghiệm để tìm ra năng lực riêng của từng trẻ (hội họa, nấu ăn, may vá, đóng kịch, vi tính, làm vườn, nặn đất sét, cắt dán hình...). Sau đó, sắp xếp các cháu vào những lớp học khác nhau, phù hợp với năng lực. Bác sĩ tâm lý sẽ nghiên cứu, tìm hiểu nguyện vọng của trẻ, làm tâm lý trị liệu dưới nhiều hình thức để giúp trẻ giao tiếp.

Sau nhiều năm điều trị, đến lúc trẻ khỏi bệnh và hòa nhập cộng đồng, các cháu có thể tự kiếm sống bằng nghề đã được học trong trung tâm, bệnh viện. Không ít trẻ tự kỷ đã trở thành họa sĩ, diễn viên nổi tiếng, lập trình viên...

BS. Thanh cho biết, ở Việt Nam có Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị bệnh tự kỷ theo kiểu bệnh viện ban ngày (như ở Pháp), nhưng quy mô còn nhỏ nên chưa có điều kiện giúp trẻ phát triển hết năng lực vốn có.

Phòng tự kỷ: Đặt và gọi tên con khi thai nhi... 6 tháng

Để tránh cho trẻ nguy cơ mắc bệnh tự kỷ, BS. Phạm Ngọc Thanh - Trưởng đơn vị tâm lý, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyên các bà mẹ sớm tìm hiểu, học hỏi cách chơi và giao tiếp với con. Thai nhi 6 tháng đã có năng lực nhìn, nghe, vì vậy sau khi siêu âm xác định thai trai hay gái, bố mẹ nên đặt tên để gọi tên và nói chuyện với con trong thời gian này. Sau khi trẻ ra đời, cha mẹ nên tìm cách chơi, trò chuyện với trẻ để giúp trẻ phát triển năng lực.

BS. Thanh lưu ý nhiều bà mẹ hiện nay chỉ quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng mà ít quan tâm đến kỹ năng chơi và giao tiếp với trẻ.


(Theo NLĐ)