Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi cho trẻ: không thể giỡn chơi



Kho đồ chơi đồ sộ của một đứa trẻ là niềm tự hào, sự ganh tỵ của bạn bè và thước đo thương yêu lẫn tiềm lực kinh tế của nhiều vị bố mẹ.



Hết còn thi vị nếu cô cậu chủ cặm cụi chơi một mình, đồ chơi cần chia sẻ với đám nhóc cùng xóm chẳng hạn. Không chỉ chơi với bộ đồ chơi riêng ở nhà, trẻ còn chơi với bộ đồ chơi chung ở nhà trẻ, mẫu giáo. Không may đồ chơi và tính "cộng đồng" có thể vô tình biến chúng thành nguồn gây độc và lây bệnh cho trẻ.
Không phải đến giờ người ta mới biết, nhưng với tình trạng "nhập siêu" đồ chơi rẻ tiền của Trung Quốc (TQ), cùng sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì vấn đề đồ chơi của trẻ không thể giỡn chơi được nữa.

 

Đồ chơi là "trung gian truyền bệnh"

 

Chúng ta từng nhiều lần giật mình nghe tin đồ chơi TQ có chất độc (chì, cadmium). Nhiều phụ huynh xem xong hung tin, bỏ tờ báo xuống và... xanh mặt nhìn thấy cục cưng của mình đang ngậm một món đồ chơi TQ. Với giá cả rất hợp túi tiền không trách đồ chơi TQ khá "phổ cập". Nhiều phụ huynh thừa biết nhưng không kham nỗi những bộ đồ chơi hạng sang có giá làm "mẻ" cả một góc lương tháng, nên đành bấm bụng mang về cho con niềm vui hợp gia cảnh hơn.

Đồ chơi còn là "trung gian truyền bệnh" (dính dịch tiết hô hấp, tiêu hóa chứa mầm bệnh từ trẻ bệnh truyền qua tay, miệng, mũi trẻ lành) của nhiều bệnh nguy hiểm như: sởi, thủy đậu, rotavirus, viêm màng não và đình đám nhất là tay-chân-miệng...

Nhận ra là một chuyện, nhưng giải quyết là chuyện khác. Không thể xử theo kiểu "không quản được thì cấm" với trẻ con. Không thể bắt trẻ khư khư ôm bịch đồ chơi riêng. Không thể ghi tên từng đứa vào đồ chơi và cảnh cáo bọn trẻ cùng lớp chớ có "tơ hào" tài sản của bạn.

Cái khó nữa là tìm đỏ mắt, phụ huynh cũng chẳng thấy đồ chơi chịu ghi thành phần, chất liệu, nhất là chữ ký an toàn từ giới "gác cửa" sức khỏe. Ở ta chuyện gác nồi cơm người lớn đã khá vất vả nên chắc phải đợi một thời gian dài người ta mới đủ người canh đồ chơi cho trẻ.

Chỉ còn cách cha mẹ tự bảo vệ con mình... được chừng nào hay chừng ấy. Nếu không thể từ khước trẻ thì ít ra tránh mua đồ chơi bằng chất liệu tái chế, kém chất, sơn màu lòe loẹt, dễ bong tróc, có mùi hăng lạ... Rửa tay trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch tẩy khuẩn nhanh sau khi chơi.

Định kỳ rửa hoặc sát trùng "kho" đồ chơi của trẻ mỗi ngày, nhất là ở nhà trẻ, mẫu giáo. Một số món đồ chơi tinh xảo, chạy pin, bằng giấy, sách, truyện, khó rửa bằng nước nên tìm cách khác để vệ sinh, không nên bỏ qua. Hạn chế trẻ cắn, ngậm đồ chơi. Đặc biệt nếu trong xóm, trường, có trẻ bệnh từng chơi chung với con bạn thì vấn đề khử trùng đồ chơi cần triệt để hơn, nếu cần loại bỏ hẳn cho chắc (một số bệnh có thời gian lây bệnh khá dài, cả khi trẻ đã khỏi bệnh).

Nhiêu khê, mất thời gian và dễ quên, nhưng nếu muốn bảo vệ cục cưng khỏi nguồn lây bệnh và nhiễm độc sát sườn, có lẽ các phụ huynh nên dành nhiều quan tâm hơn đến kho đồ chơi của trẻ. Đồ chơi là báu vật của trẻ, nhưng cũng có thể biến thành "sào huyệt" của những mầm bệnh chết người sẵn sàng làm hại trẻ.


Theo BS Đỗ Minh Tuấn
Phụ nữ