Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dùng truyện tranh dạy trẻ tiết kiệm năng lượng


Cu Bee (18 tháng tuổi) vừa kéo cánh cửa tủ lạnh ra, chị Bí (8 tuổi) vội quát: "Em không được mở cửa tủ lạnh, hết mát, hao điện lắm", rồi lôi tay em ra, mặc chú nhóc lu loa mách mẹ. Trong khi đó bố nhìn hai chị em, cười mủm mỉm.

Bố Tuấn khoái chí vì ngày nhỏ chị Bí cũng nổi tiếng nghịch tủ lạnh, suốt ngày cứ mở cửa tủ để lôi thức ăn bên trong ra. Từ la mắng đến "khẽ" tay không ăn thua, hồi Bí vào lớp một, bố mua nhiều truyện tranh cho con, từ Đôrêmon, sách lịch sử đến khoa học, văn học rồi tiết kiệm điện, kỹ năng sống... "Bố mẹ dạy nhiều khi không hiệu quả bằng sách truyện và các bạn, cô giáo ở lớp", anh Tuấn cho biết.

Từ hồi đọc được những hướng dẫn, kiểu như mở cửa tủ lạnh phải đóng ngay kẻo hao điện, bóng đèn nào không dùng nữa thì tắt... cô bé về nhà áp dụng liền và tự gọi là "luật trông trẻ". Thậm chí thằng em nhỏ chưa biết gì cũng bị cô chị liên tục nhắc nhở vi phạm "luật trông trẻ".

Hai ngày trước, Bí về nhà bảo mẹ: "Mẹ ơi, Giờ Trái đất mình phải tắt hết đèn để tiết kiệm điện nhé, con thêm vào luật trông trẻ nữa đấy".

Là một trong những trường tiểu học nhiệt tình tham gia tuyên truyền và hưởng ứng cho phong trào kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong 4 năm qua, Hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP HCM) Lê Thị Ngọc Điệp cho biết: "Học sinh tiểu học là những nhà tuyên truyền, tư vấn giỏi đến bất ngờ về việc tiết kiệm điện, nước, tái chế rác thải hơn bất cứ người lớn nào".

Đây cũng là cách mà Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM tận dụng để đưa ra những cuốn truyện tranh hướng dẫn trẻ cách sử dụng điện, nước... hợp lý, làm cách nào để ngăn chặn sự ô nhiễm môi trường, và sự nóng dần lên của trái đất

Chẳng hạn, lời cảnh báo trái đất ngập lụt, đi bộ 5 km tiết kiệm được 3.000 đồng, tắt quạt và đèn trước khi ra khỏi lớp, không hoang phí nước... thể hiện sinh động bằng tranh. Tài liệu này được chuyển đến các trường tiểu học trong chiến dịch Giờ Trái đất, phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng trong nhà trường, thi viết cảm nhận, vẽ tranh cổ động, hay những buổi dã ngoại tập thể...

Truyện tranh dành cho bé 10 tuổi trở lên cảnh báo sự nóng lên của trái đất và dạy các em nên làm gì để cứu lấy sự sống trên hành tinh. Truyện được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp với ngôn phong giản dị. Ảnh: V.L.

Bà Điệp cho hay, những cuốn truyện tranh này đã phát huy tác dụng một cách hiệu quả hơn cả những bài giảng về lý thuyết. Thậm chí các em đã chia sẻ điều này với người thân và thuyết phục được họ cùng hưởng ứng.

Bà Điệp đặc biệt tâm đắc: "Tôi tin rằng nói với 1.500 học sinh của trường về việc tiết kiệm năng lượng là gián tiếp tuyên truyền với 3.000 phụ huynh (các ông bố và bà mẹ) về vấn đề này, sức lan tỏa vô cùng rộng lớn".

Không chỉ tổ chức thi viết văn, vẽ tranh, trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm còn lắp ráp hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Với hệ thống đèn này, trung bình mỗi tháng toàn trường tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng. Theo bà Điệp, những cách tiếp cận thực tế này đã ít nhiều tác động đến nhận thức của trẻ, giúp các em - những công nhân tương lai của đất nước - có cái nhìn tích cực về bài học tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm năng lượng nói chung.

Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM Huỳnh Kim Tước, cũng nhất trí rằng trong tất cả đối tượng được tuyên truyền, trẻ em dễ tiếp thu nhất, cả về ý thức (trong suy nghĩ) lẫn hành vi (bằng biểu hiện cụ thể) và có sức lan tỏa nhanh.

Theo ông Tước, một ông bố sẽ nghe lời con trẻ, hơn cả nghe vợ hay báo đài, nhắc rằng "cần tiết kiệm điện". Ở lứa tuổi lớn hơn, về ý thức có khi họ hiểu, nhưng để dẫn tới thay đổi hành vi thì rất khó. Còn trẻ em như tờ giấy trắng, giáo dục tiết kiệm năng lượng dễ dàng hơn, làm thay đổi được hành vi hôm nay, đồng thời còn có tác động rất lớn đến mai sau.

Theo VnExpress