Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mệt vì chơi với con



Đi làm về, thấy con trai (18 tháng tuổi) ôm quả bóng nhựa, đòi mẹ ra sân cùng đá, Duyên đã mệt bở hơi. Duyên cau có: ‘Con đợi bố về chơi cùng nhé' rồi nhanh chân trốn con.

 

Một lát sau, nghe thấy tiếng con kêu "bóng, bóng" ngay ở cửa, Duyên phải quát: "Xuống nhà cho mẹ còn tắm" thì bé mới chịu chạy đi, nhưng vừa đi vừa khóc khiến bà nội dưới bếp phải can thiệp.

Bé Tôm (con trai Duyên) rất hiếu động. Hễ thấy bóng mẹ đi làm về là bé đòi ngồi xe đẩy, chơi bóng hay đuổi bắt. Có khi, mẹ đã mệt nhoài, còn con thì chưa thấy xuống sức. Buổi tối, Duyên muốn nghỉ một chút cũng không xong. Bé Tôm hết đòi chơi "vẽ vời", xé giấy, xếp hình, ôtô lại muốn được cưỡi ngựa, rồi đi "xe lắc", lăn bóng qua - lăn bóng lại với mẹ... Ngày nào bé cũng đòi mở ngăn kéo, lấy cuốn album gia đình để mẹ phải chơi trò: "Ai đây?". Tiếp đến, là trò giấu điều khiển tivi hoặc đồ chơi trong chăn để bé hì hụi đi tìm. Nhiều hôm đau đầu, cứ nghe thấy tiếng đùa nghịch của con là Duyên muốn cáu.

 

 

Hôm nào quá sức, Duyên toàn "đẩy" việc chơi cùng con sang chồng. Chồng Duyên cũng mệt lại đẩy sang cho vợ. Nhiều khi, Duyên còn thấy, đi làm đỡ mệt hơn ở nhà vì con nghịch quá.

Cùng cảnh, bé Nhím nhà Yến (Từ Liêm, Hà Nội) tuy là bé gái nhưng không chịu ngồi yên lúc nào. Dù đã thuê người giúp việc nhưng tối nào chơi với con, Yến cũng thấy mệt. Bé Nhím rất thích nhảy múa và hát, lại cứ bắt mẹ phải nhảy và hát theo. Thấy mẹ vẫn ngồi im là bé mè nheo, kêu trời kêu đất. Tiếp đến, lại bắt mẹ nhảy lò cò theo đúng các ô gạch lát sàn nhà. Hoặc có khi, bé Nhím còn để vài quyển sách làm chướng ngại vật, bắt mẹ phải nhảy qua.

Yến chia sẻ: "Khổ nhất là con chui bàn, chui ghế cũng bắt mẹ chui theo. Không thực hiện thì cháu khóc lóc. Làm theo thì thấy đầu óc quay cuồng, chưa kể còn bị kẹt trong gậm bàn".

Hoạt động tiếp theo Yến hay phải chơi với con gái là đóng kịch. Lúc thì mẹ làm bệnh nhân - con làm bác sĩ, lúc khác mẹ làm học sinh - con làm giáo viên rồi đổi vai cho con. Hôm nào mải chơi với con quá thì đêm hôm đó, Yến bị rát cổ họng.

Để dụ con ngồi yên, Yến mua bộ xếp hình và sách tranh cho con. Nhưng chỉ chơi một lúc là bé Nhím nhảy nhót, hò hét. Có khi, thấy con hò hét đến rát cổ, rồi ho sặc sụa mà Yến cũng stress theo.

Bé Kumi nhà Nhung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng chỉ chơi khi có mẹ tham gia. Chẳng hạn, khi bé tô màu đầu con gà thì mẹ phải tô đuôi con gà; khi bé vẽ hình thì mẹ phải cắt, dán vào giấy... Để giúp con vừa học vừa chơi, Nhung mua bộ chữ ghép vào bảng có gắn nam châm, bộ bìa con giống, xe cộ, màu sắc cả tiếng Anh và tiếng Việt cho con. Cô còn tìm mua rối tay để vừa đọc truyện, vừa diễn rối cho con, đỡ phải chạy nhảy nhiều, tránh mệt mỏi.

Nhung than: "Nhưng khi vừa nằm, vừa chơi với con thì thể nào cũng bị con dựng dậy. Mệt lắm".

Tránh mệt khi chơi với con

Các hoạt động vui chơi hỗ trợ sự phát triển cho bé. Ngoài ra, việc vui chơi với bố mẹ, người thân cũng vô cùng có ích. Bé không chỉ được hoàn thiện về thể chất mà còn cả mặt trí tuệ và tình cảm. Vì thế, nếu biết sắp xếp những trò ít cần vận động (như vẽ tranh, tô màu, xếp hình) với trò hoạt động nhiều (như hát, múa, chơi bóng) khi dạy bé ở một buổi tối thì sẽ tránh được mệt cho mẹ.

Ngoài mẹ, có thể cho bé chơi cùng bố, ông bà hoặc người thân trong nhà. Cách này giúp mẹ đỡ bị quá tải khi chăm con. Đồng thời, có thể chia sẻ việc nhà với chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình để có thời gian nghỉ ngơi và chơi với con.

Thông thường, bố mẹ chỉ có thời gian chơi với con vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần. Cần biết điều tiết các hoạt động vui chơi cho bé hợp lý. Nhiều hoạt động bị dồn vào buổi tối khiến bé bồn chồn, ngủ không ngon. Những trò như đi xe đạp, chơi bóng... có thể tăng cường vào ngày cuối tuần. Vui chơi ngoài trời cũng là cách để bé phát triển tốt.

 

Theo Mevabe