Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng “kẹo ma”


Kẹo mút phát sáng không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường. Ảnh: Trần Quyết
Loại kẹo phát quang này (hay còn được gọi là "kẹo ma") được bày bán công khai đầy trước các trường mẫu giáo, tiểu học ở Việt Nam. Nhiều trẻ em ăn hết kẹo rồi ngậm và cắn que phát sáng. Điều này có thể nguy hại đến sức khoẻ trẻ em.

Theo ông Hàn Tự Do, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, các cơ quan chức năng như Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội... sẽ tiến hành kiểm tra thị trường, lấy mẫu "kẹo ma" để xét nghiệm và sớm có kết luận để khuyến cáo người sử dụng.

"Kẹo ma" có thể chứa chất độc hại
"Kẹo ma" được đựng trong hộp màu đen, in toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc. Dịch các chữ in trên bao bì sản phẩm cho thấy, đó là những dòng chữ quảng cáo: "Kẹo trái cây, hương thập cẩm...; nhà máy sản xuất tại Triều Châu, Quảng Đông". Trong hộp kẹo còn có cả một tờ giấy nhỏ, chữ đỏ, ghi tiêu chuẩn của sản phẩm, giấy phép sản xuất, thời gian bảo quản, số điện thoại... Đặc biệt nhất, có một dòng khuyến cáo in rất nhỏ: "Que chỉ cho chơi, đừng cắn".

Theo các chuyên gia của Viện Hoá học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chất lỏng, chất tạo màu trong que kẹo có khả năng gây độc hay không và có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ người sử dụng thì cần phải lấy mẫu để làm xét nghiệm.

Tuy nhiên, khi trẻ ăn kẹo này, nếu vô tình làm vỡ que kẹo, các chất phụ gia của chất tạo màu sẽ biến thành khí thoát ra môi trường và gây hại cho người sử dụng nó.

Thực tế các chất phát sáng được tìm thấy nhiều trong các sản phẩm hằng ngày như công tắc đèn phản quang; các vật dụng trong giải trí như những hình ngôi sao, ông trăng đính lên tường; hay các loại sơn phát sáng, bôi lên quần áo, giày dép, nữ trang; hoặc mực dạ quang, bút dạ quang...

Các chất dạ quang có thể phát sáng là do các chất tạo thành: kẽm sunfua, hoặc CaS. Để ánh sáng có thể phát ra liên tục người ta thêm vào đó một ít chất phóng xạ. Tuy nhiên, "kẹo ma" thường chỉ phát sáng khi được chiếu sáng một lúc, và sáng cũng không được lâu.

Đó chỉ là những "ắc quy" đặc biệt tích năng lượng ánh sáng. Theo lý thuyết, những chất phát lân quang tốt có thể phát sáng trong vài giờ. Những chất phát quang thường là sun fua của các kim loại kiềm và kim loại nặng.

Ngoài ra, để ánh sáng có những màu sắc khác nhau, người ta cho thêm các kim loại nặng như đồng (tạo ra sự phát sáng lục vàng), bạc (tạo sự phát sáng chàm), mangan (tạo ra sự phát sáng da cam)... Những chất phát quang thường là sun fua của các kim loại kiềm và kim loại nặng nên rất độc. Do đó, dù chỉ phát sáng trong thời gian ngắn, thanh kẹo cũng ẩn chứa những độc tố.

Kiểm soát chất lượng "kẹo ma"
Theo ông Lê Quý Hùng, Đội chống hàng giả, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, đây có thể là sản phẩm nhập lậu, vì trên bao bì không có đơn vị nhập khẩu, phiếu kiểm định chất lượng hàng hoá của các cơ quan chức năng. Ông Lê Quý Hùng cho biết thêm, đến nay, chưa có kiểm định nào về chất lượng sản phẩm nên không thể biết được thanh kẹo mút này có chứa những chất độc nào. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, Chi cục Quản lý thị trường sẽ tiến hành rà soát lại thị trường.

Được biết, nguồn hàng kẹo mút phản quang này tương đối nhiều nên các đội quản lý thị trường ở các địa phương cũng sẽ vào cuộc. Nếu kiểm tra, phát hiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm thì sẽ tịch thu. Còn trong trường hợp là hàng nhập khẩu, thì phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng về các chất chứa trong thanh kẹo, nếu không có cũng sẽ bị tịch thu, tiêu huỷ.

Còn theo ông Hàn Tự Do, hiện Sở Y tế Hà Nội chưa biết đến thông tin về loại kẹo này, nhưng vì sức khoẻ người tiêu dùng, Sở Y tế Hà Nội vẫn tiến hành xác minh lại thông tin. Tới đây, Sở Y tế, Chi cục ATVSTP, Trung tâm Y tế dự phòng... sẽ tiến hành kiểm tra thị trường và lấy mẫu sản phẩm gửi Viện Dinh dưỡng xét nghiệm.

Khi có kết quả sẽ công bố sớm cho người người sử dụng. Tuy nhiên, dù chưa có kết quả nhưng ông Hàn Tự Do vẫn khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng các loại bánh kẹo không nguồn gốc xuất xứ này. Bởi vì những độc tố chứa trong thanh kẹo có thể gây tổn hại đến sức khoẻ của trẻ em, đặc biệt khi cắn và mút vào miệng.

Theo Văn Hóa