Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy và học âm nhạc trong nhà trường


Các bé học đàn, học hát ở Học viện Âm nhạc quốc gia (nhạc viện Hà Nội).
Cách đây gần mười năm, khi còn là học sinh THCS, lớp tôi từng được chọn để thực hành bài giảng mẫu của quận về âm nhạc. Ðó là giờ học hát bài Mưa rơi, dân ca Xá.

Giờ học dân ca kiểu mẫu
Bắt đầu tiết học, cô giáo giới thiệu về dân tộc Xá, đặc điểm dân ca của họ cùng những lưu ý về cách thể hiện bài hát cho đúng tính chất vùng miền. Chăm chú theo dõi bài hát được thể hiện trên băng hình, cả lớp tôi khi đó được đánh giá là "có niềm say mê với dân ca của đất nước" (lời nhận xét của đoàn đại biểu dự giờ). Trong suốt 45 phút học nhạc hôm ấy, cả cô và trò chúng tôi đều hăng hái thể hiện bài Mưa rơi, khi thì cô lĩnh xướng, khi thì lần lượt từng tổ hát, lúc lại chia ra hai nhóm vừa hát vừa biểu diễn trên bục giảng. Học sinh vui vẻ vì có giờ học bổ ích và sảng khoái. Cô giáo mỉm cười vì tiết dạy thành công. Và đoàn đại biểu phấn khởi vì sự tin tưởng vào việc dạy dân ca ở trường.

Giờ học nhạc ấy khiến chúng tôi không bao giờ quên, bởi đơn giản đó là giờ học nghiêm túc và được chuẩn bị kỹ lưỡng duy nhất của lớp trong suốt những năm học cấp hai. Trước tiết học hôm ấy, chúng tôi đã được học bài Mưa rơi trong hai giờ học liên tiếp và cô giáo tôi cũng miệt mài tập riêng cho các bạn vốn là cây văn nghệ của trường. Cũng chỉ trong tiết học hôm ấy, chúng tôi lần đầu học nhạc với cái ti-vi, với đàn oóc-gan. Sau tiết học hôm ấy, chả khi nào chúng tôi có dịp vừa hát vừa biểu diễn trên bục giảng trong tiếng vỗ tay của cả lớp nữa. Những tiết học sau, chúng tôi được cô giáo cho phép "chỉ học hát nửa tiết để có thời gian làm toán" vì cả lớp đã được công nhận là điển hình dạy và học hát dân ca của quận.

"Câu chuyện" hôm nay
Không khó khăn gì để nhận thấy việc dạy và học dân ca cũng như âm nhạc truyền thống của dân tộc ở các trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập. Với nhiều trường, dạy và học âm nhạc truyền thống chỉ là việc thực hiện kế hoạch đào tạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, chứ chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế của giáo viên và học sinh, không kể tới những đặc điểm riêng của từng địa phương. Trong các môn học ở trường, nhạc và họa là hai môn học được thầy cô giáo, học sinh và cả các bậc phụ huynh coi là "môn học phụ". Vì vậy, sự quan tâm đối với những môn học này cũng chỉ ở mức "phụ". Khi họp phụ huynh, giáo viên chỉ phản ánh việc học sinh học văn hóa yếu kém chứ chả mấy khi, mà cũng có thể là chưa khi nào, phản ánh học sinh học môn nhạc không tốt. Học nhạc nói chung và học dân ca nói riêng vẫn được quan niệm là phụ thuộc vào năng khiếu cá nhân, không thể "lấy cần cù bù thông minh" được.

Số liệu khảo sát mới đây của Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho thấy, chỉ tính riêng bậc học THCS đã có tới 79% học sinh không biết hoặc biết ít hơn 10 bài dân ca. Rất nhiều em đã xếp các bài hát mang âm hưởng dân ca như Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý hay Về quê của Phó Ðức Phương vào nhóm các bài hát dân ca. Thậm chí, có em còn nhầm lẫn dân ca của nước ngoài trong chương trình học với dân ca Việt Nam. Ðiều đó cho thấy kiến thức về dân ca của học sinh phổ thông còn nhiều lỗ hổng lớn, chưa kể tới kiến thức về dân vũ hay các nhạc cụ dân tộc khác. Với thời lượng một tiết âm nhạc mỗi tuần và tổng cộng 18 bài dân ca chính khóa lẫn học thêm tự chọn ở bậc tiểu học, 11 bài ở bậc THCS, học sinh không thể có nền tảng tốt về kiến thức âm nhạc truyền thống. Hơn thế, công việc giảng dạy âm nhạc cho học sinh chỉ được tiến hành đến hết bậc học THCS khiến các em quên lãng dần kiến thức đã được học, làm giảm sự hứng khởi với âm nhạc dân gian. Một giờ học hát dân ca ở THCS chỉ diễn ra trong 45 phút với một cô giáo và hàng chục học sinh, không có băng âm thanh, thậm chí không có một giáo cụ nào khác ngoài thước kẻ gõ nhịp của cô giáo. Dân ca nhiều làn điệu luyến láy, nhiều từ cổ khó hiểu nhưng cả cô và trò đều nhìn sách và hát đồng ca như học sinh lớp một ngồi tập đọc. Thụ động và buồn tẻ! Nhiều em đã thật thà cho biết học dân ca là giờ học nhạc theo kiểu đối phó, chỉ hát cho xong để tới giờ học môn khác.

Lứa tuổi 15, 16 của bậc học PTTH là tuổi hoàn thiện về chất giọng, năng lực tư duy và cảm nhận nghệ thuật. Chính trong giai đoạn này, các em có sự phân biệt và nhận thức khá nhanh nhạy về nhạc truyền thống và nhạc hiện đại. Bỏ lỡ không giáo dục về nghệ thuật của dân tộc và thả nổi để học sinh tự tiếp thu, cảm nhận nghệ thuật trong bối cảnh các dòng nhạc mới ở cả trong nước và nước ngoài tràn lan trên thị trường đã đẩy thanh thiếu niên dần đi xa hơn với nhạc dân tộc.

Cần một cách làm mới
Trong năm 2009, quan họ Bắc Ninh và ca trù đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Cùng với cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc cung đình Huế, đây là những tài sản âm nhạc vô giá của nước ta, rất cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy lâu dài. Công việc nặng nề đó không chỉ cần sự tham gia của các nhà chuyên môn, các nghệ nhân dân gian mà trên hết cần sự góp sức của chính thế hệ trẻ - những người nắm giữ tương lai của âm nhạc truyền thống Việt. Nếu ngay từ thuở nhỏ, các em đã không biết và phân biệt được các bài dân ca cơ bản thì việc đòi hỏi các em yêu thích và tự nguyện hát dân ca, biểu diễn nhạc truyền thống là việc làm không dễ dàng.

Âm nhạc truyền thống đã phát lộ nhiều mảnh sáng. Thời gian gần đây, nhiều tài năng âm nhạc trẻ đã được phát hiện trong các cuộc thi hát dân ca, các liên hoan nghệ thuật truyền thống hay các lễ hội văn hóa. Những cái tên như nghệ nhân cồng chiêng tí hon Siu Khái, Ksor Sia, đào nương nhí Huệ Phương, quan viên trẻ Nguyễn Thị Nhung hay cô bé Hà Thảo hát Then,... không còn xa lạ với công chúng yêu âm nhạc truyền thống. Ðiều đó cho thấy không phải dân ca và âm nhạc truyền thống bị các em quên lãng mà chính cách thức đào tạo âm nhạc hiện nay đã hạn chế sự hấp dẫn của môn học cũng như năng khiếu của học sinh.

Giáo dục âm nhạc truyền thống cho thanh thiếu niên trong nhà trường cần một sự đổi mới trong nhận thức. Một nhận thức mới sẽ kéo theo những hành động mới, tích cực góp phần đưa dân ca và nhạc dân tộc đến gần với học sinh hơn. Quan sát giờ học nhạc của nhiều trường phổ thông, tôi vẫn mong các em có được niềm vui và sự thích thú khi học hát dân ca như lớp chúng tôi ngày trước, dù đó chỉ là niềm vui bé nhỏ duy nhất trong bốn năm học nhạc ở trường THCS.

Theo Nhân Dân