Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các đề tài trò chơi cát và nước ( phần 2)


6. HOA VĂN KỲ LẠ.
- Mục đích: Biết kết hợp các vật liệu khác nhau để tạo thành hoa văn bất kì.
- Nguyên vật liệu: 2 cây que, dây thun, khay cát.
- Thực hiện: Dùng dây thun buộc 2 cây que thật chặt vào nhau. Hướng dẫn trẻ dùng bó que này in, vạch, hay nguệch ngoạc bất kỳ đường gì, hình gì trên khay cát.
- Câu hỏi gợi ý: Các hoa văn này nói lên điều gì? Con vẽ hoa văn này như thế nào? Con có thể dùng vật gì khác để tạo ra hoa văn giống như vậy? Con có thể trang trí gì cho hoa văn của con thêm đẹp? Con có thể vẽ những loại hoa văn nào? Con vẽ chúng để làm gì?
- Hoạt động tiếp theo: Gợi ý dùng các nguyên vật liệu khác: dùng 2 ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa), 2 cây bút hết mực, 2 cây đũa (1 đầu tròn, 1 đầu vuông), hoặc nhiều hơn 2 que, cây lược. Chơi ở sân cát hoặc trong khay cát, ở cát khô hoặc ở cát ướt. So sánh sự khác nhau khi tạo hoa văn trong cát khô và trong cát ướt. Trang trí thêm các vật nếu thích: sỏi, các loại hạt, thú nhựa nhỏ, ... Chụp hình và trưng bày. -

7. SĂN TÌM BÁU VẬT.
- Mục đích: phát triển sự phối hợp linh hoạt giữa tay và mắt.
- Nguyên vật liệu: các vật dụng bằng kim loại, các con vật bằng nhựa, giấy bìa, kẹp giấy, cần câu nam châm, khay cát/sân cát.
- Thực hiện: Cắt các hình bất kì: con cá, thuyền, hồm châu báu, ngôi nhà, .... Dán kẹp giấy vào phía sau một số hình vừa làm, một số hình khác thì không dán kẹp giấy. Cho các hình vừa làm, các con vật bằng nhựa, và các vật dụng kim loại khác vào sân cát/khay cát. Dùng cần câu nam châm câu nhiều báu vật. Tăng dần độ khó qua tăng dần độ dài của cần câu.
- Câu hỏi gợi ý: Vì sao con không câu được những con thú nhựa? Vì sao con câu được những cái kẹp giấy? Làm cách nào con có được nhiều báu vật? Con sẽ làm gì với châu bàu con tìm được?
- Hoạt động tiếp theo: Dùng những đồ vầt tìm được đưa vào trò chơi cát nước, vào góc khác: xây dựng, phân vai, khoa học, ...

8. THÀNH PHỐ CÁC VẬT DỤNG.
- Mục đích: Phát triển khả năng sử dụng các nguyên vật liệu mở.
- Nguyên vật liệu:
 Thùng, ly nhựa, hủ yaourt, phễu, vợt, xoong, chảo, bình tưới hoa, rỗ, muỗng, dĩa, ống chỉ, chai thuốc, ...
 Khay cát/sân cát, nước.
- Chuẩn bị: Đàm thoại về thành phố sắp xây dựng. Xem tranh ảnh mẫu.
- Thực hiện: Xây dựng thành phố từ các nguyên vật liệu có sẵn, do tìm kiếm trong môi trường xung quanh. Đặt các nguyên vật liệu đó lên trên bề mặt của khay/sân cát để tạo nên thành phố. Đấp cát che phần chân của các nguyên vật liệu.
- Câu hỏi gợi ý: Con định xây cái gì trong thành phố? Con dùng cái gì để xây? Vì sao con dùng cái này làm nhà mà không dùng cái kia làm nhà? Thành phố của con tên gì? Con dùng được cái nào khác để làm nó?
- Hoạt động tiếp theo: Chụp hình để trang trí và đưa vào góc xây dựng, góc cát nước.

9. LENG KENG KEM NGON.
- Mục đích:Phát triển khả năng tưởng tượng, sáng tạo thông qua vai chơi.
- Nguyên vật liệu:
 Những ly, chén nhựa, 4 khay sâu, kẹp giấy, muỗng; các loại hạt.
 Sân cát, một thau nước.
- Chuẩn bị: Chơi trong sân với cát ướt và khô để trẻ có thể cảm nhận được sự khác biệt. Thảo luận về những câu thoại, nhân vật, đồ dùng về bán kem (trong quán, xe đẩy), thực đơn.
- Thực hiện: Cho cát vào trong khay sâu để làm kem. Đổ nước với 1 lượng thích hợp để làm kem. Trẻ quan sát cát và nước đủ để in khuôn làm kem hay chưa và bắt đầu dùng tay trộn đều. Tiếp tục làm ra nhiều khay với mỗi hương vị khác nhau. Đóng vai làm người bán kem (trong quán, xe đẩy) và yêu cầu bạn làm khách. Người bán kem giới thiệu món kem hôm nay quán có và yêu cầu khách lựa chọn kem mình muốn. Trẻ in cát vào trong chén để tạo thành hình viên tròn như kem, và đặt lên dĩa. Trẻ có thể sắp xếp như trẻ thích và cho thêm các món phụ thêm: bánh quế (ống hút, kẹp giấy), chocolate (đậu đỏ), chocolate sữa (hạt gạo), ...
- Vai trò của người lớn: Giới thiệu nhiều nguyên vật liệu khác, đặt tên mới cho các vật liệu này và nói công dụng của chúng. Đóng vai làm người mua và gọi món kem để khuyến khích trẻ giao tiếp, tưởng tượng. Khuyến khích nói về các nguyên liệu để làm nên ly kem. Câu hỏi gợi ý: Món kem có tên gì? Kem có những mùi nào? Ăn kem như thế nào thì ngon? Tôi là công nhân đi làm về mệt quá, theo cô chủ quán tôi nên ăn kem mùi gì? Sau khi ăn xong, quí khách cảm thấy điều gì? Nếu cho nhiều nước vào cát thì kem sẽ ra sao? Nếu cho ít nước vào kem thì thế nào?
- Hoạt động tiếp theo: Chụp hình và đưa vào góc phân vai.

10. RAU CÂU.
- Mục đích: Phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp.
- Nguyên vật liệu:
 Một thau nước nhỏ, sân cát.
 Các khuôn rau câu, các loại hạt, kẹp giấy; muỗng; dĩa.
- Chuẩn bị: Chơi trong sân với cát ướt và khô để trẻ có thể cảm nhận được sự khác biệt. Thảo luận về những câu thoại, nhân vật, đồ dùng và thực đơn về rau câu.
- Thực hiện: Trộn nước với một lượng trẻ muốn vào cát. Trẻ quan sát cát và nước đủ để in khuôn làm rau câu hay chưa và bắt đầu dùng tay trộn đều. Cho các nguyên liệu vào đáy khuôn: nho (đậu đỏ), dừa (đậu trắng), mứt xoài (hạt sỏi), ... rồi cho cát vào đóng khuôn. Trẻ đóng vai làm người rau câu và yêu cầu bạn làm khách. Người bán rau câu giới thiệu các loại rau câu với các mùi hương, các khuôn có hoa văn đẹp mắt hôm nay quán có và yêu cầu khách lựa chọn rau câu mình muốn. Trẻ cho khuôn rau câu ra dĩa và giới thiệu các nguyên liệu có trong rau câu: nho, mứt xoài, dừa, ...
- Vai trò của người lớn: Giới thiệu nhiều nguyên vật liệu khác, đặt tên mới cho các vật liệu này và nói công dụng của chúng với trẻ. Đóng vai làm người mua và mua rau câu để khuyến khích trẻ giao tiếp, tưởng tượng, sáng tạo. Câu hỏi gợi ý: Rau câu này làm như thế nào? Rau câu này có mùi vị gì? Ăn rau câu như thế nào thì ngon? Sau khi ăn xong quí khách thấy mùi vị của nó thế nào? Nếu cho nhiều nước vào cát thì rau câu sẽ ra sao? Nếu cho ít nước vào rau câu thì thế nào?
- Hoạt động tiếp theo: Chụp hình và đưa vào góc phân vai.


Nguyễn Trần Thanh Trúc