Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài học đắt giá sau vụ tai nạn thương tâm ở trường Mầm non Trung Tự


Như tin đã đưa, ngày 17/5/2004, tại trường mầm non Trung Tự đã xảy ra một tai nạn thương tâm. Cháu Khổng Nhật Vũ (3 tuổi, trú tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa) do nuốt phải một quả trứng nhựa (là đồ chơi của trẻ) đã bị chết. Đây là một bài học đắt giá cho những bậc làm cha, làm mẹ phải thận trọng trước những thứ đồ chơi nguy hiểm của trẻ. Có nhiều ý kiến trái ngược sau vụ tai nạn thương tâm này. Người cho rằng: lỗi thuộc nhà trường. Người lại bảo: đây là tình huống bất ngờ, khó lường trước. Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi nhận thấy việc chăm sóc trẻ ở các trường mầm non còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Hà Nội hiện có 332 trường mầm non, chưa kể số lượng những cơ sở trông trẻ tư. Tại nhiều trường danh tiếng trong nội thành, số lượng học sinh thường bị quá tải trong khi các lớp mẫu giáo ở ngoại thành lại vắng vẻ. Sở dĩ có tình trạng này vì tâm lý của các bậc cha mẹ thường muốn gửi con em mình vào những cơ sở tin cậy. Ở đó con em họ được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo hơn. Chính vì vậy mà hiện tượng học sinh trái tuyến, vượt tuyến xảy ra khá phổ biến. Biên chế giáo viên tại các trường giữ nguyên nhưng học sinh tăng đồng nghĩa với chất lượng chăm sóc và điều kiện sinh hoạt của trẻ bị hạn chế. Người xưa có câu: “Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Để con em mình được cô giáo “quan tâm”, các bậc cha mẹ phải năng đến “thăm nom”. Vì “ăn cây táo” không thể “rào cây sung” nên chuyện phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp là rất khó tránh. Không ít bậc phụ huynh tỏ ý bất bình khi chứng kiến cảnh con em mình phải tha thẩn chơi một mình, tiểu tiện ra quần nhưng cô giáo làm ngơ vì đang bận bón cơm cho một ông “sếp” con. Chính sự phân biệt đối xử đó dẫn tới nhiều em không được quan tâm, chăm sóc đúng mực và rất có thể xảy ra sự cố mà giáo viên không hề hay biết. Hơn thế nữa, việc sử dụng đồ chơi trẻ em tại các trường mẫu giáo hiện nay chỉ dừng lại ở chỗ cấm sử dụng các loại đồ chơi mang tính bạo lực chứ chưa hề có một văn bản nào qui định về hình dáng, kích cỡ, hay chất liệu của những đồ chơi đó. Các cháu bé ở lứa tuổi mẫu giáo rất thích ngậm đồ chơi trong miệng, nếu vô tình nuốt phải sẽ dẫn tới hậu quả khó lường. Vụ tai nạn xảy ra tại trường mầm non Trung Tự là ví dụ điển hình: Sau khi gắp dị tật ra khỏi cuống họng của cháu bé, mọi người sửng sốt vì đó là một quả trứng được làm bằng nhựa tổng hợp có kích thước 3,5x 5cm, theo hình bầu dục, bề mặt được làm rất nhẵn. Chính vì vậy, khi ngậm đồ chơi trong miệng gặp dịch vị tiết ra, quả trứng rất dễ rơi vào cuống họng, gây ngạt thở và có thể dẫn tới tử vong như trường hợp cháu Khổng Nhật Vũ. Trong các cuộc hội thảo về sản xuất đồ chơi và thiết bị trường học, nhiều người đã cảnh báo về một số loại sản phẩm được làm từ nhựa tái sinh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ em nhưng dường như không mấy ai để tâm tới. Công tác chăm sóc và điều kiện học tập sinh hoạt của trẻ em tại các trường mẫu giáo đã vậy nhưng còn đội ngũ nhân viên y tế tại các trường này ra sao? Như chúng tôi đã nói ở trên, Hà Nội hiện có hơn 300 trường mầm non nhưng theo qui định không có biên chế dành cho cán bộ y tế. Vì lý do đó, trường nào khá giả thì tự tuyển dụng y tá, bác sĩ theo hợp đồng, còn trường nghèo thì cô nuôi dạy trẻ đồng thời là nhân viên y tế. Không có trình độ chuyên môn lại chưa được tập huấn các kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu nên khi có tình huống xấu các cô giáo thường “lúng túng như thợ vụng mất kim”. Kết quả do không được cấp cứu kịp thời, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra. Vụ tai nạn thương tâm tại trường mầm non Trung Tự tuy chỉ là sự “không may và không ai muốn thế” như lời của một số bậc cha mẹ phụ huynh học sinh nhưng theo “Qui chế chuyên môn nuôi dạy trẻ” thì nhà trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Việc quy kết lỗi lúc này cũng không xoá được nỗi đau thương mất mát của gia đình em Khổng Nhật Vũ nhưng đó là bài học đắt giá đối với công tác chăm sóc sức khoẻ và giáo dục trẻ em tại các trường mầm non. Bài và ảnh: Tống Ngọc Thanh(Hà Nội Mới)