Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục kỹ năng sống: Có hiệu quả khi gò ép, áp đặt?


Bắt đầu từ năm học 2010-2011 bộ GD-ĐT chủ trương đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa trong các nhà trường phổ thông, từ bậc tiểu học đến THPT. Đây là một chủ trương cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, dạy thế nào để đạt hiệu quả là điều mà rất nhiều người quan tâm

Mục tiêu của kỹ năng sống là cung cấp các năng lực tâm lý xã hội để giúp người học có thể ứng phó với những thay đổi của xã hội gồm: kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng suy nghĩ có phán đoán... Để làm được điều này, trước hết phương pháp giảng dạy phải là giáo dục chủ động.

Nghĩa là qua các tình huống được phân tích, các trải nghiệm, qua làm việc nhóm, thảo luận, sắm vai, đóng kịch xã hội, phim, tranh ảnh, câu chuyện..., HS sẽ tự rút ra cho mình những bài học hoặc biết cách tự giải quyết trong một tình huống cụ thể và dần dần sẽ hình thành kỹ năng. Nói cách khác, làm cho HS trải nghiệm, thực hành và tự rút ra bài học là yêu cầu được đặt lên trên trong cách học mới này.

Nếu giáo viên tại các trường là người đảm nhận môn này thì họ cũng nên được tham gia những lớp đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về nội dung và phương pháp. Một cô giáo ở một trường dân lập đang triển khai bộ môn này đã chia sẻ: "Trong một lớp về kỹ năng sống, tôi đã "diễn thuyết" kỹ năng sống cho hơn 200 học sinh! Gọi là "diễn thuyết" là vì với 200 học sinh ấy và trong thời gian là 30 phút thì ngoài diễn thuyết suông, tôi còn biết làm gì khác".

Nữ giáo viên này cho rằng, nếu cách giảng dạy này được áp dụng thì cũng không khác gì với bộ môn đạo đức đang được dạy trong trường và ngoài ra, còn làm mất thêm thời gian, tiền bạc vì không mang lại hiệu quả. Ngay cả các giáo viên, vốn đang chịu quá nhiều sức ép thành tích, và không phải ai cũng đủ tâm huyết để đào sâu vào một lĩnh vực mới ngoài bộ môn mình đang đảm nhận.

Như vậy, có thể thấy giảng dạy bộ môn này không dễ dàng chút nào vì nó vượt ra khỏi phạm vi giáo dục truyền thống để tạo ra sự thay đổi. Người dạy cũng phải là người tin tưởng học sinh có thể thay đổi, giúp học sinh nhận ra và xây dựng các kỹ năng qua việc khơi dậy tiềm năng và giá trị bằng sự tôn trọng, kiên nhẫn, không gò ép hay áp đặt. Ngoài ra, vì kỹ năng sống là những năng lực tâm lý và xã hội nên kiến thức cơ bản về tâm lý, các vấn đề, hiện tượng xã hội cũng đòi hỏi người phụ trách phải nắm vững.

Theo Báo Đất Việt