Đào tạo nghiệp vụ sư phạm: Vẫn xa rời thực tế
Nhiều chuyên gia nhận định, chương trình đào tạo ở các trường sư phạm hiện nay mang nặng tính hàn lâm và cung cấp lý luận phương pháp dạy học không gắn với thực tiễn; mới chỉ chú trọng đến năng lực chuyên môn, chưa chú ý đến nghiệp vụ sư phạm. Điều đáng nói là thực trạng này được đề cập nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể... Nhiều lỗ hổng Đồng tình với quan điểm trên, ThS. Nguyễn Thu Tuấn, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết, không ít sinh viên đang học trong các trường sư phạm quan niệm cứ học giỏi là có thể dạy tốt. Đây chính là lý do để họ không mấy quan tâm tới nghiệp vụ sư phạm. Kết quả các đợt thực tập hiện nay cho thấy, phần lớn sinh viên lúng túng trong xử lý các tình huống sư phạm, có khi mắc sai lầm cả về kiến thức cơ bản, mặc dù họ đã được đào tạo kỹ, có hệ thống về lý luận dạy học và kiến thức khoa học cơ bản. Thậm chí có sinh viên còn nói: Không biết đã học được gì sau mấy năm học nghiệp vụ sư phạm. Người thầy hiện đại phải biết... rời xa chiếc bàn Quan niệm về nghiệp vụ sư phạm của ông Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh lại xoay quanh... "cái bục giảng". Theo ông Hồng, thầy giáo ngày xưa đến lớp là ngồi vào bàn, là kiếm phấn để viết bảng. Bục giảng, bảng đen, phấn trắng và người thầy như liền một khối. Giáo dục hiện đại chỉ coi cái bàn của thầy là phương tiện để đặt các dụng cụ phục vụ cho giảng dạy. Để làm thầy giáo giỏi thời hiện đại phải biết ra khỏi bàn, bước xuống lớp học, ở bên học sinh và ở sau học sinh. Nói thì đơn giản nhưng lại là một bước tiến không chỉ mang tính hình thức về giáo dục. Đa số sinh viên sư phạm khẳng định, chương trình đào tạo họ được học trong nhà trường không khớp với chương trình phổ thông. Lý giải về tình trạng này, ThS. Nguyễn Thu Tuấn cho rằng: Có trên 90% giảng viên các trường sư phạm hầu như chưa tham gia dạy học tại các trường phổ thông nên thiếu kinh nghiệm thực tế. Sinh viên hầu như không được xem giảng mẫu. Giảng viên có thể giảng cho sinh viên của mình về cách thức dạy một tiết học ở trường phổ thông như thế nào, nhưng nếu yêu cầu giảng mẫu về bài đó cho sinh viên xem thì họ không làm được. Các sở GD-ĐT, nhất là ở những nơi có trường ĐHSP phải tạo điều kiện cho giáo sinh các trường sư phạm tham gia giảng dạy và giáo dục. Nên chăng, các Sở GD-ĐT nên công khai thông tin về việc nhận giáo sinh đến thực tập" - ông Nguyễn Kim Hồng đề xuất.
Hoàng Dũng (Báo TNVN) Theo VOV |