Một buổi sáng tôi đến thăm nhà bác Lê Hải ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Vừa tới trước nhà tôi đã thấy cửa tầng trệt mở rộng, bác Hải gái đang đứng ngay bậc thềm tay xách chiếc cặp nhỏ. Bác Hải gái là bà giáo Hoàng Lan dạy giỏi có tiếng bậc tiểu học mà chủ yếu là dạy lớp 1, lớp 2 với hơn 30 năm trong nghề, nay đã về hưu. Bà đang chuẩn bị sang nhà hàng xóm dạy thêm cho học sinh lớp 1. Một buổi học thêm tại nhà của học sinh lớp 1, quận 5, TP.HCM - Ảnh: Anh Khôi Bà giáo Lan kể về hưu rồi nhưng bà vẫn đi dạy thêm cho mấy cháu lớp 1 gần đây vì phụ huynh cứ năn nỉ. Mấy gia đình khác cũng nhờ nhưng bà không dám nhận thêm. Mấy cháu đang được bà dạy là học sinh lớp 1 nhưng chưa biết đọc biết viết. Nếu không được bà dạy thêm thì có thể năm tới không lên được lớp 2 và nếu có được lên lớp 2 thì rồi đến lớp 3, lớp 4 các em cũng chưa biết đọc biết viết. Bởi thế mới có tình trạng "ngồi nhầm lớp" sáng học lớp 6 chiều học lớp 1. Bà giải thích rằng trong các lớp 1 ở trường tiểu học hiện nay có tới 4-5 em hằng ngày vẫn đi học nhưng không được dạy, bị các cô giáo bỏ qua vì khi bước vào lớp 1 các em chưa biết đọc biết viết, trong khi cả lớp đã được học trước, biết đọc biết viết cả rồi. Thế là thầy cô giáo cứ dạy cho số đông, còn mấy em chưa biết gì chỉ ngồi chơi chẳng học được gì. Mấy em này một là năm trước chưa được học mẫu giáo hay đi học thêm lớp 1 trong hè trước khi vào lớp 1 chính thức. Hai là có em được đi học mẫu giáo ở các lớp tư thục nhưng không được học chữ. Lớp học chỉ giữ trẻ là chính nên các em đều chưa biết đọc biết viết. Trước khi tranh thủ đến lớp dạy thêm, bà giáo Lan còn nhờ tôi nói với lãnh đạo ngành giáo dục rằng chương trình sách giáo khoa lớp 1 quá nặng, quá khó, nhất là môn toán, nếu các em không được học thêm, học trước thì không thể theo nổi... Là nhà giáo dạy phổ thông nhiều năm tôi cũng biết rằng hiện nay nhiều lớp mẫu giáo 5 tuổi đã dạy chữ cho trẻ em như dạy lớp vỡ lòng trước đây. Tuy nhiên có không ít lớp không dạy chữ hay dạy qua loa, vì thế nhiều bậc cha mẹ cho con bỏ lớp mẫu giáo 5 tuổi để đi học trước chương trình lớp 1 vào dịp cuối năm hay trong hè. Vì thế nhìn chung đầu vào lớp 1 trình độ của học sinh khác nhau. Có trường còn tổ chức thi tuyển vào lớp 1 kể cả thi ngoại ngữ với danh nghĩa trường chất lượng cao, trường quốc tế... Qua câu chuyện của bà giáo suốt đời dạy tiểu học, tôi thấy rõ hơn vì sao có những học sinh học tới lớp 3, lớp 4, thậm chí lớp 6 mà chưa biết đọc, biết viết theo chương trình lớp 1. Thủ phạm chính của nó không phải vì các em học kém, học dốt mà do việc quản lý nội dung giáo dục, mẫu giáo hiện nay bị thả nổi. Tuy rằng ở trên có nhiều dự án đổi mới liên tục nhưng ở dưới các lớp học, nhất là các lớp tư thục thì mỗi nơi dạy một kiểu tùy theo những gì họ có, đặc biệt là việc dạy chữ cho mẫu giáo 5 tuổi thì mục đích yêu cầu tới đâu cũng chưa rõ ràng. Có nơi bảng mẫu chữ viết thường, viết hoa treo ở lớp học còn viết sai. Chữ viết của cô giáo thì quá xấu. Tới đây ngành giáo dục lại có chủ trương phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi mà nhiều người chỉ nghĩ rằng là phải nâng cao tỉ lệ trẻ em 5 tuổi đến các lớp học chứ không nghĩ đến điều kiện nội dung giảng dạy, chất lượng giáo dục mầm non ra sao. Vậy có nên cấm triệt để việc dạy chữ ở mẫu giáo 5 tuổi hay có cách nào khác để tất cả các em vào lớp 1 đều có trình độ như nhau? TRẦN HỮU TRÙ (nhà giáo, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục - đào tạo |