Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lao động trẻ em vấn đề cần được quan tâm


Theo số liệu mới công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có khoảng 218 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới, trong đó 100 triệu là trẻ em gái và hơn một nửa số trẻ em gái này đang phải lao động trong các điều kiện nguy hiểm, độc hại. Ở Việt Nam, độ tuổi trung bình trẻ bắt đầu lao động là 10 - 14, số trẻ làm thuê, giúp việc nhà phổ biến ở tuổi 13 - 14. Trẻ em vạn đò phải học chèo đò từ 5 - 6 tuổi, 10 - 12 tuổi đã đi làm kiếm tiền...

Giúp việc tại Hà Nội
NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG CÓ TUỔI THƠ
Những số liệu gần đây cho thấy, trẻ em từ 6 - 17 tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế chiếm khoảng trên dưới 30%, khoảng 60% trẻ lao động ở các cơ sở ngoài quốc doanh sống trong điều kiện khó khăn (ăn, ngủ, sức khỏe, vệ sinh không đảm bảo...), tiền công rẻ mạt, cường độ lao động cao; 71,2% trẻ làm việc từ 9 - 10 giờ/ngày; 72% trẻ làm việc cả ngày chủ nhật; 1% trẻ phải làm việc trong điều kiện sức khỏe yếu. Nhóm trẻ độ tuổi từ 15 - 17 tuổi có tỷ lệ tham gia lao động tương đối cao (63,3% so với độ tuổi). Điều đáng chú ý là có khoảng 15% trẻ em làm thuê, phải làm các nghề với điều kiện nặng nhọc và độc hại như sản xuất gốm, sành sứ, vật liệu xây dựng dân dụng.

Em Hoàng Thị Thanh (15 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) đã làm thuê cho một nhà hàng ở Hà Nội 3 năm. Thanh kể hàng ngày em và các bạn phải thức khuya dậy sớm dọn dẹp, rửa bát đĩa, quạt than, bưng bê cho khách và hàng trăm việc không tên khác. Lúc nào Thanh cũng mệt bã người chỉ thèm ngủ, xem phim giải trí là chuyện không bao giờ dám mơ. Đã thế, ông bà chủ còn chửi mắng bọn trẻ như cơm bữa, thậm chí bạt tai nếu chúng làm vỡ, đổ thức ăn... Vất vả như vậy, nhưng ngoài nuôi cơm Thanh chỉ được chủ trả cho 500.000 đ/tháng.
Còn em Nguyễn Thị Liên (16 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hoá) ra Hà Nội làm ôsin vì kém hiểu biết đã kí vào hợp đồng 5 năm mức lương 500.000 đ/tháng với nhà chủ từ năm 2007. Công việc chăm sóc cụ bà cao tuổi, giặt giũ, cơm nước, dọn dẹp 4 tầng nhà quả là nặng nhọc với cô bé. Đến nay, khi biết lương người giúp việc ở Hà Nội khoảng 800.000 - 1.000.000đ/tháng, Liên đã xin thêm nhưng nhà chủ nhất định không tăng cho em. Khi em định thôi việc đi bán hàng, ông chủ đã doạ đưa em ra pháp luật khiến em luôn sống trong tình trạng sợ hãi, bất an và không đòi được thêm bất cứ quyền lợi gì.

Tại vùng mỏ Trại Cau, tỉnh Thái Nguyên có hàng trăm em nhỏ vì gia đình nghèo khó phải đến đây mót tìm quặng ở các bãi quặng thải. Các em luôn hít thở không khí mịt mù bụi bẩn, chịu tiếng ồn của máy khoan, máy xúc inh tai... Trong môi trường làm việc hết sức độc hại như vậy, các em còn non nớt lại luôn bị tai nạn lao động rình rập. Theo em Nguyễn Văn Bình (nhà ở thị trấn Trại Cau) đã làm quặng hơn 2 năm, thì: "Đi mót quặng ở các bãi thải bây giờ được rất ít, ai cố gắng lắm được khoảng gần tạ (30.000đ), còn như tụi em thì ngày công chỉ 20.000đ đến 25.000đ, bạn nào yếu chẳng được thế". Công việc nặng nhọc, đòi hỏi tiêu hao nhiều sức lực nhưng điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi của bọn trẻ lại hết sức tạm bợ thiếu thốn. Cơm nắm, mì tôm, bánh mì là món ăn thường trực của các em. Để mót được nhiều quặng, có em đã làm thâu đêm. Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian sức khoẻ của các em giảm sút trầm trọng.

Trong những trẻ em lao động sớm (TELĐS) phải kể tới hàng trăm trẻ em lang thang trên các đường phố của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Dù đang độ tuổi đến trường, nhưng các em phải lê bước khắp đầu đường xó chợ bán vé số, ăn xin... Khi được hỏi các em đều nói muốn được đi học, vui chơi như các bạn cùng trang lứa nhưng vì nghèo đói mà các em phải sớm bươn chải, mưu sinh phụ giúp gia đình không được thực hiện những quyền cơ bản của mình.

Đập đá, vác gạch - công việc quá sức đối với trẻ em
CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA TOÀN XÃ HỘI
Theo các chuyên gia tâm lý cũng như cơ quan chức năng, việc bắt TELĐS kiếm tiền trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong một nghiên cứu khảo sát có tới 36,2% cha mẹ của TELĐS cho rằng trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ là của xã hội, cộng đồng. Chỉ vì chạy theo đồng tiền mà nhiều bậc cha mẹ lợi dụng hay để người khác lợi dụng sức lao động của chính con em mình. Những đứa trẻ bán sức lao động sớm, đều già dặn và mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ. Điều này tác động rất xấu đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Theo TS Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (cũ): "Việc để TELĐS có nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của người lớn và bản thân các em. Không thể chấp nhận được tình trạng đẩy trẻ em vào những công việc thu lợi cho người lớn, thay người lớn kiếm tiền. Cha mẹ không nên coi việc cho con đi làm là để trả ơn mình, trong khi đó sức cha mẹ vẫn có thể nuôi con được. Các em nhỏ cũng không được nghĩ mình phải đi làm những việc có thể ảnh hưởng đến nhân phẩm và tổn hại đến thể chất, là để báo hiếu cha mẹ".

Để giảm thiểu TELĐS, việc đầu tiên cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền Luật Lao động, Luật BVCSTE, Công ước quốc tế về quyền trẻ em... trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt tổ dân phố ở xã, phường... cho các bậc cha mẹ hiểu rằng, bắt TELĐS kiếm tiền là vi phạm Luật lao động và quyền trẻ em.

Ngoài trách nhiệm của gia đình thì chính quyền các địa phương, nơi có TELĐS cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý những vụ xâm hại, bóc lột sức lao động của trẻ em... Đồng thời, có những chính sách phù hợp và sự hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện mở thêm nhiều lớp học tình thương, cơ sở dạy nghề cho TELĐS cho các em có thể vừa học vừa làm có một nghề kiếm sống sau này.

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Đề án 95/ĐA-UBND về ngăn ngừa và giải quyết tình trạng TELĐS, lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2009 - 2010 và những năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2010, sẽ giảm 90% số trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm. Tại các thành phố Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Huế... Sở LĐ-TBXH đã và đang tổ chức thống kê số lượng TELĐS trên địa bàn, để có biện pháp hỗ trợ kinh phí giúp các em trở về quê sinh sống.

Giải quyết triệt để vấn đề TELĐS, hiện còn gặp nhiều khó khăn và rất cần sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng. Xin được lấy lời của TS Trần Thị Thanh Thanh làm lời kết cho bài viết này: "Xã hội hiện nay còn nhiều người thờ ơ với tình trạng lao động trẻ em bị lạm dụng. Thấy một đứa trẻ bị bóc lột lao động, bị xâm phạm cơ thể và danh dự thì bất kỳ ai cũng cần phải có trách nhiệm!".

Theo Lao Động