Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 năm thực hiện Nghị định 166: Nhiều bất cập gây khó khăn cho ngành giáo dục


Sau 5 năm thực hiện NĐ 166 vẫn còn nhiều bất cập gây khó khăn cho ngành giáo dục
Sáng 26-2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 166 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục (2004-2009). Qua đó cho thấy giáo dục thành phố đã được tạo nhiều cơ hội để phát triển vượt trội...

Ngành giáo dục được chủ động
Thực hiện Nghị định 166 của Chính phủ, UBND TP.HCM đã giao cho Sở GD-ĐT có trách nhiệm giúp UBND thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, từ năm 2004 đến nay, Sở GD-ĐT đã tham mưu để UBND TP ban hành các quyết định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện (QĐ số 41/2008), QĐ số 05/2009 về tổ chức và hoạt động của phòng GD-ĐT quận, huyện, QĐ 51/2009 về quy chế tổ chức và hoạt động của Sở GD-ĐT TP; QĐ 50/2009 về việc ban hành Quy định tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT.

Song song, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND TP ban hành quyết định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn (QĐ 21/2008). Đặc biệt là văn bản số 5344/UBND - VX ngày 22-8-2008 về định biên các chức danh trong tổ chức bộ máy các trường học tại TP.HCM. Theo đó, các trường có thêm biên chế cho các chức danh như bảo mẫu, giám thị, giáo viên tư vấn tâm lý...

Các quận, huyện cũng tạo mọi điều kiện để giáo dục địa phương phát triển. Cụ thể như ở Q.10, năm 2005, phòng GD-ĐT đã xây dựng mạng lưới phát triển trường lớp trên địa bàn đến năm 2020 và được UBND quận phê duyệt vào năm 2007. Qua đó, trong những năm qua, quận 10 đã xây mới được 9 trường, mở rộng 4 trường và sửa chữa - nâng cấp 83 công trình tại các trường từ mầm non đến THCS.

Ông Phan Văn Đồng - Phó phòng GD-ĐT Q.10 cho biết: "Trong 5 năm qua, ngoài kinh phí do thành phố cấp, UBND quận đã bổ sung thêm rất nhiều để chi cho giáo dục. Cụ thể, năm học 2004-2005, quận bổ sung thêm gần 600 triệu đồng, năm học 2007-2008 tăng lên gần 15 tỷ đồng, năm học 2008-2009 là trên 16,7 tỷ đồng...".

Huyện Củ Chi cũng được đánh giá là một địa phương phát triển nhanh về cơ sở trường lớp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 95 trường từ mầm non đến THPT. Trong đó, từ năm 2004 đến nay, xây mới 23 trường, nâng cấp sữa chữa hàng trăm phòng học với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng.
"Do địa bàn rộng, mỗi trường có nhiều điểm lẻ. Và ở các điểm lẻ số học sinh trên lớp khá ít, có lớp chỉ có 7 - 8 học sinh nên chúng tôi không phân bổ ngân sách theo đầu học sinh mà phân theo lương của giáo viên. Theo đó, đời sống giáo viên ở các trường đều được đảm bảo. Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều trường tiết kiệm chi tiêu nên còn dư khoảng 3 triệu đồng/giáo viên", ông Lê Hùng Sen - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết.

Cần điều chỉnh để Nghị định phù hợp với tình hình mới
Mặc dù Nghị định 166 đã tạo cơ hội thuận lợi cho ngành giáo dục phát triển, trong đó có giáo dục TP.HCM. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Nghị định 166 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập...

Ông Văn Công Sang - Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ Sở GD-ĐT cho biết: "Về định mức biên chế của phòng GD-ĐT do UBND quận, huyện giao trong tổng số biên chế hành chính của địa phương nên giáo dục không chủ động được về nhân sự. Thực tế trong những năm qua, số biên chế ở nhiều quận, huyện không được giao thêm trong khi số lượng trường, lớp và học sinh liên tục tăng. Theo đó gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo từ phòng xuống cơ sở..."

Chưa hết, vấn đề nhân sự của phòng GD-ĐT cũng gặp nhiều khó khăn khi: "Nhân sự của phòng GD-ĐT phải đưa từ trường lên nhưng khi lên phòng lại bị chuyển ngạch lương từ viên chức sang công chức. Và ngược lại, phòng GD-ĐT muốn chuyển nhân sự từ phòng xuống trường thì phải chuyển ngạch từ công chức sang viên chức để cho phù hợp", ông Triệu Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 bức xúc.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm hiệu trưởng cho các trường trực thuộc phòng GD-ĐT cũng rất nhiêu khê, phức tạp. Ông Triệu Tuấn cho biết, có những trường hợp, kể từ ngày phòng GD-ĐT trình hồ sơ lên UBND quận đến khi có quyết định chính thức phải mất 4 tháng. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý ở các trường khi hiệu trưởng mới chưa có mà hiệu trưởng cũ đã nghỉ hưu...

Nói về những bất cập của Nghị định 166, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Tô Thị Thanh Nga cũng cho biết, tuy nghị định nói là giao Sở GD-ĐT có trách nhiệm giúp UBND thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn toàn thành phố nhưng có những vụ việc sở phải "bó tay". Đặc biệt là đối với các giáo dục ngoài công lập do các sở, ngành khác cấp giấy phép. Khi đi kiểm tra, phát hiện các cơ sở này sai phạm mười mươi nhưng ngành giáo dục không có quyền để xử lý mà chỉ có thể nhắc nhở về chuyên môn!...

Ngoài ra, vấn đề quản lý du học tự túc cũng là một bức xúc lớn của Sở GD-ĐT TP.HCM, bởi trên địa bàn thành phố có quá nhiều cơ sở du học tự túc mà việc phân cấp quản lý lại chưa rõ ràng. Và tệ hơn, mỗi khi có chuyện là Sở GD-ĐT lại bị "gõ đầu" trước tiên...

Từ những bất cập của Nghị định 166 mà các đại biểu nêu ra, TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh: "Đã đến lúc cần phải điều chỉnh Nghị định 166 để phù hợp với tình hình hiện nay của nhà trường nói riêng và giáo dục nói chung..."

Theo Báo Giáo Dục