Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi nào bé sẽ an toàn trong trường mầm non?


Trong công tác quản lý giáo dục mầm non, điều tối kỵ nhất là để cháu bé bị thiệt mạng. Không ít bậc cha mẹ đã bị mất đứa con bé bỏng của mình tại nơi gửi cháu, và mỗi lần như vậy lại rộ lên những đợt kiểm điểm, xử lý, thanh tra.

Vậy mà rồi đâu lại vào đấy. Chuyện bé Trương Thúy Vy chết tại Trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc (thị trấn Dĩ An, Bình Dương) một lần nữa cho chúng ta thấy các biện pháp đã được áp dụng chưa đủ hiệu nghiệm.

Hãy để cơ quan điều tra của công an làm rõ nguyên nhân "chết đuối trong ca nước" này nhưng đứng về mặt quản lý xã hội và quản lý giáo dục, ta đã có thể nhận ra những sơ hở sau:

Một là cơ quan cấp phép hoạt động là UBND địa phương đã không làm tròn nhiệm vụ kiểm tra Trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc xem có hội đủ điều kiện hoạt động và hoạt động đúng cam kết chưa.

Hai là cơ quan quản lý chuyên môn là Phòng Giáo dục - đào tạo cũng chưa kiểm tra chuyên môn của hiệu trưởng và giáo viên, bảo mẫu, kiểm tra trang thiết bị có phù hợp hay không. Ở nhiều nước phát triển, để ngăn ngừa tình trạng cô không can thiệp kịp thời khi cháu bị nạn trong nhà vệ sinh, người ta xây phòng vệ sinh có bức tường rất thấp, phía trên là kính trong suốt để khi đang dạy trong lớp cô vẫn có thể nhìn thấy bé có an toàn trong nhà vệ sinh hay không. Chi tiết nhỏ trong xây dựng này đã được nhiều trường mầm non trong nước làm theo nhưng chưa thành quy định bắt buộc nên nhiều trường không làm.

Nguyên nhân thứ ba thuộc về quản lý xã hội cấp vĩ mô. Khi lập khu công nghiệp, người ta chỉ chăm bẳm vào tiền đầu tư và máy móc, công nghệ, đầu vào và đầu ra, số thuế dự kiến sẽ thu được như thế nào... mà ít tính đến phục vụ điều kiện sống và làm việc của công nhân, dân cư khu vực đó, càng ít tính đến việc học hành của con cái họ.

Vì vậy trường học tại những nơi này thường không đáp ứng nhu cầu cả về số lượng phòng học, giáo viên lẫn chất lượng quản lý, nuôi dạy trẻ. Đành phải trông cậy được chăng hay chớ vào biện pháp xã hội hóa giáo dục.

Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến ngành giáo dục cứ loay hoay suốt mà vẫn bị động về kế hoạch phát triển và cứ thiếu kinh phí cho đào tạo giáo viên, xây dựng trường lớp. Ngay cả khu vực trường lớp ngoài công lập, dù đã phát triển như nấm sau mưa vẫn chưa có cơ quan chuyên trách quản lý, để khi đụng chuyện người ta mới than vãn là không đủ nhân lực đi kiểm tra, thanh tra.

Chỉ có khắc phục nếp quản lý cũ kỹ thể hiện qua ba nguyên nhân trên đồng thời không ngừng tăng cường ý thức của giáo viên, chúng ta mới hi vọng bé sẽ an toàn trong mọi ngôi trường mầm non.

TS HỒ THIỆU HÙNG
Theo Tuổi Trẻ